Quy định về việc chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2019
Theo quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Công văn 1209/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019 thì:
1. Đánh phách bài thi tự luận
a) Phương thức đánh phách
- Bài thi tự luận phải được đánh và rọc phách trước khi giao cho Tổ chấm thi, số phách phải được bảo mật tuyệt đối. Chủ tịch Hội đồng thi quyết định phương thức đánh phách (đánh phách 1 vòng hay đánh phách 2 vòng độc lập);
- Số phách được sinh ngẫu nhiên từ phần mềm máy tính, đảm bảo mỗi bài thi (số báo danh) tương ứng duy nhất với 1 số phách;
- Đối với phương thức đánh phách 2 vòng độc lập, phải đảm bảo có 2 khóa phách do 2 lãnh đạo Ban Làm phách giữ, mỗi người 1 khóa phách, số phách vòng 2 chỉ được sinh sau khi đã hoàn thành phách vòng 1 (bài thi đã được đánh phách, rọc phách và đóng trong túi có niêm phong, đầu phách đã được bảo mật).
b) Cách ly cán bộ làm phách
- Nếu sử dụng phương thức đánh phách 1 vòng: Ban Làm phách phải được cách ly triệt để trong suốt thời gian được tập trung làm phách cho đến khi hoàn thành chấm bài thi tự luận.
- Nếu sử dụng phương thức đánh phách 2 vòng độc lập: Ban Làm phách phải được cách ly triệt để trong suốt thời gian được tập trung làm phách của mỗi vòng; cán bộ làm phách được chia thành 2 tổ: Tổ làm phách vòng 1 và Tổ làm phách vòng 2; các tổ làm việc độc lập và cách ly triệt để với nhau. Tổ làm phách vòng 1 chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau khi Tổ làm phách vòng 2 được cách ly.
c) Quy trình làm phách 1 vòng
Bước 1. Gieo phách: Trưởng Ban Làm phách được Chủ tịch Hội đồng thi giao tài khoản Phần mềm Hỗ trợ chấm thi của Bộ GDĐT để gieo phách, in biểu hướng dẫn dồn túi chấm, biểu đối chiếu phách - báo danh. Khi dùng phần mềm lần đầu tiên, Trưởng Ban Làm phách phải đổi mật khẩu và bảo vệ mật khẩu của tài khoản được cấp. Trưởng Ban Làm phách có thể giao cho một thành viên của Ban sử dụng phần mềm để gieo phách, nhưng phải chịu trách nhiệm về bảo mật khóa phách. Các biểu mẫu phải được đóng túi niêm phong ngay sau khi in xong trước sự chứng kiến của thanh tra.
Lưu ý: Phần mềm Hỗ trợ chấm thi thực hiện dồn túi tự động và in Biểu Hướng dẫn dồn túi chấm. Mỗi túi chấm có số lượng bài thi ít nhất 20 bài và nhiều nhất là 40 bài.
Bước 2. Dồn túi, thực hiện như sau:
- Căn cứ vào thông tin trên Biểu Hướng dẫn dồn túi, Trưởng Ban Làm phách giao các túi bài thi cho các thành viên của Ban Làm phách để tiến hành dồn túi;
- Các thành viên kiểm tra tình trạng niêm phong, cắt miệng các túi bài thi (chú ý không cắt rời hẳn miệng túi), kiểm đếm số bài, số tờ giấy thi và đối chiếu với số bài, số tờ ghi trên túi đựng bài thi. Nếu có bất thường (túi không còn nguyên niêm phong, số bài, số tờ giấy thi không khớp với thông tin ghi trên bì hoặc trên Phiếu thu bài, ...), phải báo cáo với Trưởng Ban và lập biên bản;
- Theo thông tin hướng dẫn trên Biểu Hướng dẫn dồn túi để rút bài thi từ các túi bài thi dồn sang các túi chấm thi.
Bước 3. Đánh phách
Việc đánh phách phải thực hiện theo từng túi chấm, mỗi bài thi có 1 số phách tương ứng với số báo danh được ghi trong biểu đối chiếu phách - báo danh, cán bộ làm phách viết số phách vào các ô quy định trên tất cả các tờ giấy thi của thí sinh.
Bước 4. Cắt phách và niêm phong túi chấm.
Các bài thi đã được đánh phách phải được cắt đầu phách và đựng trong các túi được niêm phong (gọi là túi bài chấm thi). Trên túi bài chấm thi phải ghi đầy đủ thông tin: Môn thi/Bài thi, Túi số (mã túi), số bài thi, số tờ giấy thi.
Đầu phách được bó lại theo từng túi phách ghi rõ số bài, số tờ đầu phách và được đóng gói, niêm phong; ngoài bì ghi rõ đầu phách của các túi nào?
d) Quy trình làm phách 2 vòng
Để làm phách 2 vòng, Ban Làm phách được chia làm 2 tổ phách: Tổ phách 1 và Tổ phách 2. Tổ phách 1 do Phó Trưởng Ban làm Tổ trưởng; Tổ phách 2 do Trưởng Ban làm Tổ trưởng.
Quy trình làm phách như sau:
Vòng 1. Các bước thực hiện như làm phách 1 vòng. Người được cấp tài khoản phách 1 là Tổ trưởng phách 1 đồng thời là người gieo phách và in ấn các tài liệu liên quan (biểu dồn túi, biểu đối chiếu phách - báo danh).
Sau khi hoàn thành đánh phách 1, Tổ trưởng phách 1 bàn giao cho Tổ trưởng phách 2 các túi chấm thi (chứa các bài thi đã được cắt phách) trong tình trạng còn nguyên niêm phong.
Vòng 2: Chỉ thực hiện sau khi kết thúc Vòng 1
Bước 1. Gieo phách: Tổ trưởng phách 2 được Chủ tịch Hội đồng thi giao tài khoản Phần mềm Hỗ trợ chấm thi để gieo phách, in biểu hoán vị túi (mã hóa lại túi chấm). Khi thực hiện phần mềm lần đầu tiên, Tổ trưởng phách 2 phải đổi mật khẩu và bảo vệ mật khẩu của tài khoản được cấp; thực hiện việc sinh phách, in biểu mã hóa lại túi chấm, đóng túi niêm phong các tài liệu này.
Bước 2. Mã hóa lại túi chấm.
Tổ trưởng phách 2 ghi lại mã túi mới; Căn cứ vào Biểu Hoán vị túi để chuyển toàn bộ bài thi từ túi gốc (túi chấm đã đánh phách vòng 1) sang túi mới (túi hoán vị). Trên túi mới ghi rõ thông tin môn thi/bài thi; túi số (mã túi mới); số bài thi; số tờ giấy thi.
Bước 3. Giao túi chấm để đánh phách vòng 2: Tổ trưởng phách 2 giao các túi chấm (đã hoán vị) cho cán bộ đánh phách theo hình thức bốc thăm.
Bước 4. Đánh số phách
Số phách vòng 2 chính là số túi (hoán vị), cán bộ làm phách ghi số này làm tiền tố cho số phách ở tất cả các tờ giấy thi trong túi.
Bài thi trong túi phải được kiểm đếm để đối chiếu với số bài thi, số tờ giấy thi ghi trên túi chấm.
Túi chấm đã đánh xong phách vòng 2 phải được dán kín và niêm phong theo quy định.
đ) Bàn giao bài thi cho Ban Chấm thi
Sau khi hoàn thành đánh phách, Trưởng Ban Làm phách bàn giao bài thi đã làm phách cho Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi hoặc bàn giao trực tiếp cho Trưởng Ban Chấm thi theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng thi.
Đầu phách được Ban Làm phách bảo quản và chỉ bàn giao cho Ban Thư ký Hội đồng thi sau khi đã chấm xong bài thi tự luận.
2. Chấm thi
2.1. Khu vực chấm thi
Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho công tác chấm thi tại khu vực chấm thi được thực hiện theo các quy định tại Điều 23 Quy chế thi với một số lưu ý như sau:
- Camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận không có kết nối Internet; phải có bộ lưu điện dự phòng, đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới; dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày; ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và được Giám đốc sở GDĐT chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ trong thời gian ít nhất là 1 năm.
- Tại các phòng chấm bài thi tự luận, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng bảo quản bài thi, số lượng và vị trí lắp đặt camera phải đảm bảo bao quát được toàn bộ các hoạt động trong phòng.
- Bên ngoài các phòng chấm bài thi tự luận/trắc nghiệm phải có đủ các tủ/thùng dùng cho cán bộ chấm thi và cán bộ làm nhiệm vụ khác trong phòng để điện thoại và vật dụng cá nhân không được phép mang vào phòng chấm bài thi theo quy định.
2.2. Ban Chấm thi
Các Ban Chấm thi (tự luận, trắc nghiệm) phải đảm bảo đúng thành phần và thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định tại Chương VI của Quy chế thi.
Đối với cán bộ tham gia công tác chấm thi tự luận/trắc nghiệm, Hội đồng thi lập danh sách theo Mẫu số 2 Phụ lục XIII. Trước khi chấm chính thức, Trưởng ban Chấm thi (tự luận/trắc nghiệm) tổ chức đăng ký mẫu chữ ký vào danh sách. Danh sách đăng ký mẫu chữ ký được đóng túi và niêm phong, mẫu chữ ký được lưu tại Sở GDĐT trong thời gian ít nhất 01 năm.
2.3. Chấm bài thi tự luận
- Phải bố trí đủ cán bộ chấm thi (CBChT) để chấm đúng tiến độ đề ra.
- Tiến hành nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án, thang điểm và thực hiện nghiêm túc khâu chấm chung ban đầu theo quy định của Quy chế thi.
- Bố trí CBChT chấm lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau.
- Mỗi bài thi tự luận được 2 CBChT chấm độc lập, với một số điểm cần lưu ý như sau:
+ CBChT lần thứ nhất chấm bài thi và chỉ ghi điểm chấm trên Phiếu chấm cá nhân (gửi kèm Hướng dẫn chấm thi của môn thi tự luận), tuyệt đối không để lại bất kỳ dấu hiệu nào trên tờ giấy thi của thí sinh và trên túi bài thi;
+ CBChT lần thứ hai chấm trên bài thi, ghi điểm từng ý tương ứng bên lề của tờ giấy thi, ghi điểm từng câu (Câu 1..., Câu 2..., ...) và tổng điểm toàn bài vào vị trí quy định (“Cộng....”) trên tờ giấy thi; đồng thời, ghi điểm tổng từng câu vào Phiếu ghi điểm (Phụ lục XI);
- Trưởng môn chấm thi phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấm thi của các CBChT trong tổ chấm thi. Trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 CBChT thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm bài thi trên Phiếu ghi điểm của CBChT lần thứ hai với điểm trên Phiếu chấm cá nhân của CBChT lần thứ nhất, phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của 2 CBChT nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm Quy chế thi. Đồng thời, quán triệt CBChT không được sửa chữa điểm trên Phiếu chấm, Phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm.
- Đối với các bài thi đã chấm xong 2 vòng (lần) độc lập, hai CBChT đã thảo luận thống nhất điểm, điểm thống nhất được (một trong hai CBChT) ghi bằng số và chữ, ghi rõ họ tên và ký vào vị trí quy định trên tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh. Nếu hai CBChT không thống nhất được điểm thì Trưởng môn chấm thi quyết định điểm, ghi điểm bằng số và chữ vào vị trí quy định và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
- Trường hợp bài thi phải chấm 3 lần:
+ Nếu điểm chấm 2 trong 3 lần chấm giống nhau, Trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau (của 2 lần chấm) làm điểm chính thức, rồi ghi điểm bằng số và chữ vào vị trí quy định, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh;
+ Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm, Trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến 2 chữ số thập phân làm điểm chính thức, rồi ghi điểm bằng số và chữ vào vị trí quy định, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh;
+ Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm, Trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể, có biên bản kết luận kết quả chấm tập thể. Điểm chấm tập thể là điểm chính thức của bài thi và Trưởng môn chấm thi ghi điểm bằng số và chữ vào vị trí quy định, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
- Xử lý nghiêm đối với những bài làm vi phạm Quy chế thi hoặc cán bộ không thực hiện đúng Quy chế thi; khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất.
- Để khâu nhập điểm vào máy tính và hồi phách đảm bảo chính xác, Ban Thư ký Hội đồng thi phải thực hiện khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận; nếu có sai sót phải lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.
2.4. Tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm
Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên, tổ chức thực hiện chấm thi trắc nghiệm theo quy định. Các bước cơ bản tổ chức chấm thi trắc nghiệm như sau:
Bước 1. Nhận bài thi từ Hội đồng thi
Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm nhận các túi bài thi từ Hội đồng thi trong tình trạng nguyên niêm phong của Điểm thi. Thực hiện quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Quy chế thi.
Bước 2. Quét Phiếu TLTN
Phiếu TLTN được quét theo từng phòng thi.
- Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm đếm Phiếu TLTN đối chiếu với số Phiếu TLTN ghi trên túi bài thi và Phiếu thu bài, chuyển Phiếu TLTN cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét; quét xong Phiếu TLTN của túi nào, Phiếu TLTN được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.
- Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 03 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 01 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 01 bộ đĩa gửi về Bộ GDĐT;
Bước 3. Nhận dạng ảnh quét
- Thực hiện chức năng nhận dạng ảnh của Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm để chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản (text) đã được mã hóa.
- Xuất dữ toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 03 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 01 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 01 bộ đĩa gửi về Bộ GDĐT.
Bước 4. Sửa lỗi
Cán bộ kỹ thuật trực tiếp dùng chức năng sửa lỗi kỹ thuật của Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm để tiến hành sửa lỗi kỹ thuật của bài thi (nếu có).
Sau khi sửa xong tất cả các lỗi kỹ thuật, in tất cả biên bản sửa lỗi giao cho Trưởng Ban Chấm phúc khảo.
Xuất dữ toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng sau đã sửa tất cả các lỗi (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra 03 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD2) giống nhau bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 01 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 01 bộ đĩa gửi về Bộ GDĐT.
Bước 5. Chấm điểm
Mở niêm phong Đĩa Dữ liệu (đáp án) do Bộ GDĐT cung cấp.
Nạp dữ liệu chấm từ Đĩa Dữ liệu vào Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm để chấm điểm.
Thực hiện chức năng chấm điểm của Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm.
Xuất toàn bộ dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (đã mã hóa) từ Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm và ghi vào 03 bộ đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD3) giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của Tổ Giám sát, công an và lập biên bản; 01 đĩa gửi về Bộ GDĐT; 01 đĩa bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng thi; 01 đĩa Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ.
2.4. Xử lý các bài thi vi phạm Quy chế thi
Các bài thi vi phạm Quy chế thi được xử lý theo quy định tại Điều 49 của Quy chế thi. Riêng bài thi tổ hợp cần lưu ý chỉ trừ điểm của môn thành phần nào mà thí sinh vi phạm kỷ luật (mức độ khiển trách trừ 25% điểm, mức độ cảnh cáo trừ 50% điểm), không trừ điểm môn thành phần mà thí sinh không vi phạm kỷ luật.
Để việc trừ điểm đảm bảo khách quan và đúng tỷ lệ quy định, yêu cầu Hội đồng thi phải xác định và cập nhật chính xác hình thức xử lý vi phạm vào Hệ thống QLT trước khi xuất dữ liệu để hỗ trợ công tác chấm thi (tự luận, trắc nghiệm). Phần mềm Hỗ trợ chấm thi sẽ tự động trừ điểm thi đối với thí sinh vi phạm kỷ luật theo quy định.
Chủ tịch Hội đồng thi đối chiếu với biên bản xử lý kỷ luật, ký xác nhận danh sách thí sinh bị trừ điểm do vi phạm kỷ luật (kể cả trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi).
3. Chấm kiểm tra bài thi tự luận
Mục đích của chấm kiểm tra là giúp Trưởng Ban Chấm thi tự luận phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi. Vì vậy:
a) Phải bố trí đủ CBChT tự luận để thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi theo tiến độ chấm của Ban Chấm thi tự luận đúng với quy định tại Điều 25 của Quy chế thi.
b) Tổ chức cho các thành viên của Tổ Chấm kiểm tra nghiên cứu, thảo luận đáp án, biểu điểm cùng với các tổ chấm thi.
c) Lãnh đạo Ban Chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn ra những bài có nghi vấn được 2 CBChT cho điểm khác nhau nhiều trước khi thống nhất điểm; chọn các bài thi có điểm cao trong Hội đồng thi (được Trưởng ban Chấm thi tự luận lựa chọn sau khi đã thống nhất với Chủ tịch Hội đồng thi) và giao cho Tổ Chấm kiểm tra để thực hiện chấm kiểm tra các bài này.
Lưu ý: Cán bộ chấm kiểm tra chỉ ghi điểm vào Phiếu chấm cá nhân, không ghi điểm vào bài thi của thí sinh.
d) Cuối mỗi buổi chấm thi hoặc khi cần thiết, Tổ trưởng Tổ Chấm kiểm tra báo cáo kết quả chấm kiểm tra, kiến nghị đề xuất với Trưởng Ban Chấm thi tự luận về những vấn đề cần điều chỉnh (nếu có) đối với các tổ chấm thi, đối với CBChT.
đ) Các thành viên của Tổ Chấm kiểm tra chỉ trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi có liên quan theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chấm thi tự luận.
4. Phúc khảo
Sau khi công bố kết quả thi, các đơn vị tổ chức phúc khảo bài thi theo quy định tại Chương VII của Quy chế thi; lưu ý những điểm dưới đây:
a) Đơn vị ĐKDT tiếp nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh, cập nhật vào Hệ thống QLT, gửi Danh sách đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm và bài thi tự luận cho sở GDĐT.
b) Sở GDĐT tập hợp Danh sách đề nghị phúc khảo và gửi Danh sách đề nghị phúc khảo đến các Hội đồng thi.
c) Giám đốc sở GDĐT thành lập Ban Phúc khảo bài thi tự luận (BTTL) và Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm (BTTN) theo quy định tại Điều 29 để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 30 của Quy chế thi.
d) Phúc khảo bài thi trắc nghiệm
Chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm được thực hiện theo khoản 5 Điều 30 Quy chế thi.
Thời hạn gửi đĩa dữ liệu kết quả phúc khảo bài thi trắc nghiệm và hoàn thành công tác phúc khảo bài thi trắc nghiệm thực hiện theo Lịch Công tác Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Phụ lục 1.
đ) Phúc khảo bài thi tự luận
Tổ chức chấm lại bài thi theo hướng dẫn chấm, đảm bảo đúng nguyên tắc 2 CBChT chấm độc lập trên một bài thi.
e) Niêm phong riêng các bài thi trắc nghiệm, các bài thi tự luận đã phúc khảo kèm theo phách và bàn giao cho sở GDĐT lưu trữ.
g) Thực hiện việc cập nhật điểm của thí sinh sau phúc khảo vào Hệ thống QLT và báo cáo kết quả sau phúc khảo theo quy định tại Điều 30 của Quy chế thi, công bố kết quả sau phúc khảo và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi của các thí sinh có thay đổi điểm sau phúc khảo cho các sở GDĐT có thí sinh xin phúc khảo.
h) Lập hồ sơ phúc khảo, bao gồm: Quyết định thành lập Ban Phúc khảo, các biên bản của Ban Phúc khảo, các biên bản đối thoại giữa các cặp chấm thi (nếu có), danh sách thí sinh được thay đổi điểm bài thi.
5. Nhập kết quả chấm thi.
Việc nhập điểm thi phải thực hiện bằng Phần mềm Hỗ trợ chấm thi trong Hệ thống QLT thi do Bộ GDĐT cung cấp.
5.1. Nhập điểm đối với bài thi tự luận:
Người được giao nhiệm vụ tổ chức nhập điểm là thành viên của Ban Thư ký Hội đồng thi (sau đây gọi là Quản trị nhập điểm) được cung cấp 1 tài khoản phần mềm để thực hiện việc nhập điểm vào máy tính qua Phần mềm Hỗ trợ chấm thi trong Hệ thống QLT của Bộ GDĐT. Ngay sau khi tài khoản được cấp, người sở hữu tài khoản phải đổi mật khẩu và bảo vệ mật khẩu của mình; sử dụng tài khoản được cấp với các chức năng của phần mềm để tổ chức nhập điểm theo các bước cơ bản như sau:
Bước 1. In Biên bản chấm thi (Biểu số 04), giao cho Trưởng Ban Chấm thi tự luận để giao cho Trưởng môn chấm thi;
Bước 2. Nhận Biểu số 04 (đã ghi điểm và có ký xác nhận của Trưởng môn chấm thi và các cán bộ chấm thi);
Bước 3. Tổ chức nhập điểm 2 vòng độc lập (cách thức thực hiện theo hướng dẫn sử dụng phần mềm);
Bước 4. In biên bản đối sánh kết quả 2 vòng nhập (từ Phần mềm Hỗ trợ chấm thi), nếu có sai lệch giữa 2 vòng nhập, phải kiểm tra và nhập lại điểm của trường hợp có sai lệch;
Bước 5. In Biểu điểm đã nhập vào máy tính theo từng túi chấm (chỉ có thông tin số phách, điểm), tổ chức kiểm tra, đối chiếu lại với Biểu số 04, Quản trị nhập điểm phải chịu trách nhiệm và xác nhận rằng việc nhập điểm không có sai sót.
Bước 6. Khóa chức năng nhập điểm bài thi tự luận.
5.2. Nhập điểm bài thi trắc nghiệm
Bước 1. Nhận đĩa CD/DVD kết quả chấm thi (được xuất từ Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm).
Bước 2. Sử dụng chức năng của Phần mềm Hỗ trợ chấm thi trong Hệ thống QLT của Bộ GDĐT để nhập (import) điểm từ CD/DVD kết quả chấm thi vào máy tính.
5.3. Cập nhật điểm thi vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia
Bước 1. Ghi đĩa tổng hợp điểm: Sau khi đã nhập xong toàn bộ điểm của tất cả các bài thi của Hội đồng thi vào máy tính qua Phần mềm Hỗ trợ chấm thi, Quản trị nhập điểm xuất tệp tổng hợp điểm thi bằng chức năng của Phần mềm Hỗ trợ chấm thi, ghi Tệp Tổng hợp điểm thi vào đĩa 02 CD/DVD giống nhau; 01 đĩa gửi về Cục Quản lý chất lượng, 01 đĩa giữ lại Hội đồng thi.
Bước 2. Tải điểm lên hệ thống Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia: Nhận được Đĩa tổng hợp điểm của Hội đồng thi, Cục Quản lý chất lượng tải điểm từ Đĩa tổng hợp điểm lên Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia.
Bước 3. Đối sánh kết quả: Hội đồng thi sử dụng chức năng của Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia và Đĩa Tổng hợp điểm hoặc Tệp Tổng hợp điểm lưu tại Hội đồng để đối sánh với điểm đã tải lên hệ thống.
Trên đây là nội dung quy định về việc chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Công văn 1209/BGDĐT-QLCL.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?