Anh rể đánh em vợ thì bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 thì:
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
Căn cứ theo quy định nêu trên thì anh rể và em vợ được xác định là thành viên gia đình (thậm chí hai vợ chồng Anh/Chị đã ly hôn). Do đó thuộc đối tượng áp dụng của hành vi bạo lực gia đình.
Anh rể có hành vi đánh đập em vợ được xác định là hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
Theo Khoản 1 Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình thì người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Chương II Luật phòng chống bạo lực gia đình 2014 thì nếu đây là lần đầu tiên anh rể đánh em vợ và mức độ tổn thương không lớn thì hai bên có thể tiến hành hòa giải. Việc hòa giải sẽ do gia đình, dòng họ tiến hành hoặc do tổ chức hòa giải ở cơ sở tiến hành nếu có yêu cầu của các bên. Trường hợp đã được tổ hòa giải ở cơ sở hoà giải mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì tổ hòa giải góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư. Áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với em gái của chị nếu có yêu cầu của người em gái hoặc của gia đình chị và đủ điều kiện theo quy định tại Điều 20, 21 Luật này.
Hành vi anh rể đánh đạp em vợ được xác định là hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình, do đó, theo Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi này bị xử lý như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Ngoài ra tùy vào tính chất, mức độ của hành vi gây ra mà chồng cũ của chị có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định tại Điều 43 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007:
1. Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
3. Thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Bồi thường thiệt hại (nếu có): Trường hợp hành vi đánh đạp dẫn đến tổn hại sức khỏe của em gái chị thì nếu có yêu cầu, em gái của chị có thể khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết, khi đó, ngoài việc buộc chấm dứt hành vi, xin lỗi thì chồng cũ của chị phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho em gái của chị theo mức độ tổn hại sức khỏe, theo thỏa thuận và nguyên tắc xác định thiệt hại quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích: Trường hợp hành vi đánh đập này gây thương tích nặng cho em gái của chị thì hành vi của người chồng cũ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội này quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017.
Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Danh mục các đường bay nội địa theo nhóm cự ly bay từ 1000 km đến dưới 1280 km năm 2025?
- Tải toàn bộ Mẫu báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu theo Thông tư 23/2024/TT-BKHĐT?