Mã ngành nghề kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu là gì?
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định pháp luật hướng dẫn liên quan.
Theo đó, Tại Khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định:
"Điều 7. Quyền của doanh nghiệp
...
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu."
Như vậy: Căn cứ quy định được xác định trên đây thì doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam có quyền thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Đồng nghĩa, doanh nghiệp trong trường hợp này không phải đăng ký kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Mặt khác, Theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP thì thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 69/2018/NĐ-CP phải thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Danh mục hàng hóa và lộ trình do Bộ Công Thương công bố, đồng thời thực hiện các quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì các doanh nghiệp Việt Nam (không bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) được phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu tất cả các loại hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu mà không phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh đã đăng ký trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định 28/2018/QĐ-TTg thì hiện nay không có quy định mã ngành nghề liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Do đó: Công ty bạn có thể thực hiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu tất cả các loại hàng hóa không thuộc các trường hợp hạn chế kể trên, mà không cần phải đăng ký kinh doanh ngành nghề xuất khẩu, nhập khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?