Trộm hành hung để tẩu thoát hay là cướp tài sản?
Theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 thì "Hành hung để tẩu thoát" là một tình tiết định khung hình phạt đối với người có hành vi phạm tội trộm cắp tài sản.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì người nào trộm trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Tài sản là di vật, cổ vật.
Trường hợp người phạm tội trộm cắp tài sản thuộc một trong các trường hợp trên mà có hành vi "Hành hung để tẩu thoát" thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Trong đó, theo quy định tại Thông tư liên tịch 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP thì phạm tội thuộc trường hợp "hành hung để tẩu thoát" là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã... nhằm tẩu thoát.
Như vậy: Trường hợp người trộm cắp tài sản đã trộm được tài sản nhưng bị phát hiện mà có hành vi chống trả lại như đánh, chém, bắn, xô ngã... để tẩu thoát thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 với tình tiết định khung là "Hành hung để tẩu thoát".
Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch 02/2001/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP cũng có quy định nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
Như vậy: Trường hợp người trộm cắp tài sản đã trộm được tài sản nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
Do đó: Đối với trường hợp cá nhân vào nhà người khác để trộm tài sản, sau khi trộm được tài sản thì bị chủ nhà phát hiện và giật lại số tài sản đã bị trộm nhưng tên trộm đã tấn công, hành hung chủ nhà để giật lại số tài sản đó rồi tẩu thoát thì có đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân này về Tội cướp tài sản.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?