Quyết định của Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự trong vụ án xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Quyết định của Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự trong vụ án xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Mục IVB Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP như sau:
Toà án áp dụng các biện pháp dân sự theo quy định tại Điều 202 của Luật sở hữu trí tuệ để giải quyết các vụ án dân sự về quyền sở hữu trí tuệ.
Tuỳ trường hợp cụ thể Toà án có thể áp dụng một hoặc nhiều hoặc tất cả các biện pháp dân sự đồng thời cùng lúc trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự về quyền sở hữu trí tuệ.
1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm
1.1. Theo yêu cầu của người khởi kiện, Toà án quyết định buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chấm dứt ngay hành vi xâm phạm (ví dụ: buộc người có hành vi xâm phạm quyền tác giả chấm dứt việc sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chấm dứt việc sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó...).
1.2. Toà án có thể quyết định buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chấm dứt hành vi xâm phạm trong bản án hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 206, khoản 2 Điều 207 của Luật sở hữu trí tuệ và quy định tại khoản 12 Điều 102 và Điều 115 của Bộ luật tố tụng dân sự.
1.3. Trong bản án, quyết định, Toà án phải nêu cụ thể các quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm và các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Toà án cũng phải quy định rõ những việc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thực hiện và không được thực hiện để thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án.
1.4. Theo quy định tại khoản 1 Điều 123 của Bộ luật tố tụng dân sự, thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay.
Do đó, nếu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khiếu nại quyết định đó, thì trong thời hạn khiếu nại, giải quyết khiếu nại theo quy định tại các Điều 124 và 125 của Bộ luật tố tụng dân sự, họ vẫn phải thi hành quyết định đó.
Đối với trường hợp Toà án quyết định trong bản án việc buộc chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà bản án đó bị kháng cáo, kháng nghị, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 254 của Bộ luật tố tụng dân sự “Những phần của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay”.
Do đó, cần căn cứ vào quy định cụ thể của văn bản quy phạm pháp luật cho thi hành ngay phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và quy định nêu trên của Bộ luật tố tụng dân sự để tuyên trong bản án, quyết định là: “Quyết định buộc chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thi hành ngay mặc dù bị kháng cáo, kháng nghị”.
2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai
2.1. Toà án quyết định trong bản án, quyết định về việc buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải xin lỗi, cải chính công khai nhằm khôi phục danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng... cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm.
Ví dụ: Người có hành vi xâm phạm quyền tác giả đã sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm làm cho công chúng hiểu lầm về tác giả gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Việc buộc xin lỗi, cải chính công khai nhằm mục đích bảo vệ quyền nhân thân của tác giả quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ (bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm) và khôi phục danh dự, uy tín cho tác giả.
Trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về nội dung, cách thức xin lỗi, cải chính công khai và chi phí thực hiện việc xin lỗi, cải chính đó mà thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì Toà án công nhận sự thoả thuận của họ.
2.2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về nội dung, cách thức thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai và chi phí thực hiện, thì Toà án căn cứ vào tính chất hành vi xâm phạm và mức độ, hậu quả do hành vi đó gây ra quyết định về nội dung, thời lượng xin lỗi, cải chính công khai và chi phí thực hiện. Việc xin lỗi, cải chính công khai có thể được thực hiện trực tiếp tại nơi có địa chỉ chính của người bị thiệt hại hoặc đăng công khai trên báo hàng ngày của cơ quan trung ương, báo địa phương nơi có địa chỉ chính của người bị thiệt hại trong ba số liên tiếp.
3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự
Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự được Toà án quyết định áp dụng đối với người có hành vi vi phạm nghĩa vụ đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. [không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã thoả thuận theo hợp đồng và phải chịu trách nhiệm dân sự đối với chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (người có quyền)].
Khi áp dụng biện pháp này cần căn cứ vào các quy định tương ứng tại các mục 2 và 3 Chương XVII, Phần thứ ba của Bộ luật dân sự năm 2005.
4. Buộc bồi thường thiệt hại
4.1. Người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, thì phải bồi thường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 604 của Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại mục 1 Phần I của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
4.2. Do Bộ luật dân sự có quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại và cách thức bồi thường thiệt hại khác với quy định của Luật sở hữu trí tuệ; do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật sở hữu trí tuệ khi giải quyết yêu cầu về bồi thường thiệt hại phải áp dụng các quy định tại các Điều 204 và 205 của Luật sở hữu trí tuệ, các Điều 16, 17, 18, 19 và 20 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại mục I Phần A của Thông tư liên tịch này.
5. Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với Điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
5.1. Toà án xem xét quyết định buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện nêu trên mà không phụ thuộc vào việc chủ thể quyền có yêu cầu hay không có yêu cầu.
5.2. Việc buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại phải căn cứ vào quy định tại khoản 5 Điều 202 của Luật sở hữu trí tuệ, các Điều 30 và 31 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP.
Ví dụ: Công ty X. sử dụng trái phép nhãn hiệu mì chính “AJINOMOTO” của Công ty A. đang được người tiêu dùng ưa chuộng trên thị trường để gắn vào sản phẩm mì chính của mình để bán trên thị trường. Công ty A. đã khởi kiện Công ty X. yêu cầu Toà án buộc Công ty X. phải chấm dứt hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu “AJINOMOTO”, tiêu huỷ số nhãn hiệu đã được in ấn nhưng chưa sử dụng và xử lý số mì chính mang nhãn hiệu “AJINOMOTO” giả mạo. Toà án căn cứ vào quy định tại khoản 5 Điều 202 của Luật sở hữu trí tuệ và Điều 30 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP quyết định buộc Công ty X. tiêu huỷ số nhãn hiệu giả mạo bị thu giữ, loại bỏ nhãn hiệu “AJINOMOTO” ra khỏi hàng hoá mì chính và quyết định phân phối số mì chính đó cho Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi của huyện B. sử dụng vì mục đích nhân đạo.
5.3. Khi quyết định buộc tiêu huỷ hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Toà án phải quyết định trách nhiệm của người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chịu chi phí cho việc tiêu huỷ đó.
Trên đây là nội dung quy định về quyết định của Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự trong vụ án xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông có trách nhiệm như thế nào?
- Công văn nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất?
- Bảng lương của Quản lý dự án hàng hải hạng 2 hiện nay là bao nhiêu?
- Dự kiến sẽ sáp nhập các bộ ngành nào 2024 theo Nghị quyết 18-NQ/TW?
- Kỳ kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu tháng 12/2024 bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?