Cơ chế quản lý kinh phí hoạt động của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Tôi có thắc mắc về vấn đề này mong được Ban tư vấn giải đáp giúp. Cụ thể cho tôi hỏi cơ chế quản lý kinh phí hoạt động của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn! Minh Cảnh - Bến Tre

Cơ chế quản lý kinh phí hoạt động của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại Điều 5 Thông tư 146/2013/TT-BTC quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

Dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao trong năm đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là hạn mức chi tối đa nhằm đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Kinh phí giao cho Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được phân bổ quản lý theo 2 phần: Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ và kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ.

Quy định cụ thể như sau:

1. Kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ:

a) Nội dung chi từ kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ, gồm:

- Chi tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ.

- Các khoản chi hoạt động thường xuyên: Thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng; thông tin, tuyên truyền liên lạc; công tác phí trong nội địa nước sở tại và nước ngoài; thuê người địa phương theo hợp đồng và theo vụ việc; sửa chữa thường xuyên tài sản cố định; mua sắm tài sản dùng cho công tác chuyên môn, cho công tác lễ tân; chi tặng phẩm, tiếp tân thường xuyên; chi hoạt động nghiệp vụ chuyên môn từng ngành; chi vệ sinh phòng dịch; tiền nước uống; các khoản chi hoạt động thường xuyên khác (nếu có).

- Chi tổ chức các sự kiện, hoạt động mang tính chất thường niên của đơn vị (các sự kiện, hoạt động nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước).

- Các khoản chi đặc thù khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đại diện theo Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

b) Căn cứ phân bổ dự toán kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ:

- Căn cứ tổng mức dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao, sau khi trừ đi các khoản kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, cơ quan chủ quản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài xây dựng định mức phân bổ dự toán kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ áp dụng cho từng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài làm căn cứ phân bổ kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ.

- Định mức phân bổ dự toán kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ được xây dựng căn cứ vào các tiêu chí: Tham khảo số thực chi của 3 năm liên tục liền kề; trong đó số thực chi của năm hiện hành là cơ sở chủ yếu để tính định mức phân bổ của năm kế hoạch nhưng có tính đến tình hình thực tế và yếu tố đặc thù của từng địa bàn trong năm kế hoạch.

Định mức phân bổ này được điều chỉnh hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế và yếu tố đặc thù của từng địa bàn.

c) Quản lý, sử dụng kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ:

Trong phạm vi dự toán kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ, Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có quyền hạn và trách nhiệm:

- Chủ động bố trí, sử dụng kinh phí theo các nội dung, yêu cầu công việc được giao cho phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tiết kiệm và có hiệu quả.

- Được quyết định mức chi cho từng nội dung công việc phù hợp với đặc thù của cơ quan nhưng không vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Đối với các khoản chi không có định mức, Người đứng đầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc trong phạm vi nguồn tài chính được giao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Việc quyết định các mức chi được quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ sau khi đã lấy ý kiến của cán bộ, công chức. Việc quản lý, giám sát chi tiêu được công khai đến toàn thể cán bộ, công chức theo Quy chế đã ban hành.

Quy chế chi tiêu nội bộ của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài sau khi ban hành phải được báo cáo về cơ quan chủ quản cấp trên để theo dõi, giám sát. Trường hợp quy chế chi tiêu nội bộ xây dựng vượt quá chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành thì cơ quan chủ quản cấp trên có trách nhiệm yêu cầu Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài điều chỉnh lại cho phù hợp.

2. Kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ:

a) Nội dung chi từ kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, gồm:

- Các khoản chi theo chế độ, định mức và quy định hiện hành của nhà nước, gồm:

Sinh hoạt phí cho cán bộ, công chức, phu nhân/phu quân; các khoản phụ cấp, trợ cấp; trang phục nhiệm kỳ và đồ dùng cá nhân cho cán bộ, công chức và phu nhân/phu quân; vé máy bay, tàu xe và cước phí hành lý khi hết nhiệm kỳ về nước; tiền mua bảo hiểm khám, chữa bệnh cho cán bộ, công chức và phu nhân/phu quân; mua sắm phương tiện đi lại phục vụ công tác của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

- Các khoản chi theo thực tế phát sinh, gồm:

+ Thuê trụ sở làm việc và nhà ở; sửa chữa lớn trụ sở, nhà ở và tài sản theo dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Các khoản thuế liên quan đến quyền sử dụng đất, thuế văn phòng, tiền thuê đất.

+ Tiền mua bảo hiểm nhà ở, trụ sở, tài sản và phương tiện đi lại.

+ Chi tổ chức sự kiện, nhiệm vụ theo đề án được phê duyệt: Triển lãm, hội chợ và các sự kiện khác (nếu có).

- Các khoản chi đặc thù và nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao.

b) Quản lý, sử dụng kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ:

Việc quản lý và sử dụng kinh phí giao không thực hiện chế độ tự chủ được thực hiện theo đúng nội dung công việc đã được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ và giao kinh phí; theo đúng tiêu chuẩn, chế độ định mức chi quy định hiện hành.

Trên đây là tư vấn về cơ chế quản lý kinh phí hoạt động của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 146/2013/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
203 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào