Người hiến tạng được hưởng những quyền lợi gì?

Em năm nay đã đủ 20 tuổi, hiện tại em có nhu cầu tìm hiểu về việc hiến mô, hiến xác sau khi chết. Anh chị có thể tư vấn tổng quan giúp em về vấn đề này để em có cái nhìn khái quát hơn được không? Ví dụ như đối tượng nào được quyền hiến mô, hiến tạng; quyền lợi của những đối tượng này khi thực hiện hiến mô, hiến tạng;...Em chân thành cảm ơn anh chị rất nhiều Lan Ngọc (ngoc***@gmail.com)

Căn cứ pháp lý:

- Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006;

- Thông tư 104/2017/TT-BTC.

1/ Đối tượng được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

2/ Quyền lợi của người hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác

- Quyền lợi của người hiến mô:

+ Người đã hiến mô được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.

- Quyền lợi của người hiến bộ phận cơ thể người:

+ Được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí;

+ Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí;

+ Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế;

+ Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

+ Được miễn chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định theo giá dịch vụ khám sức khỏe cho người đã hiến bộ phận cơ thể do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

+ Được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày (không bao gồm trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người phải nhập viện để khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế): 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 02 ngày;

+ Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ: 200.000 đồng/ngày;

+ Được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng. Trường hợp sử dụng phương tiện đi lại của cá nhân thì căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đi lại là khoảng cách từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại, với mức tiêu hao nhiên liệu bằng 0,2 lít xăng/km và giá xăng tại địa phương nơi thực hiện vận chuyển.

+ Được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có)

+ Thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.

- Quyền lợi của người hiến xác:

+ Thân nhân của người hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở.

3/ Trường hợp bị cấm hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Theo quy định tại Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 thì chỉ có người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác. Do đó, nếu không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.

Đồng thời, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép.

- Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

- Không nhằm mục đích thương mại.

- Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, việc hiến, lấy, ghép tạng còn phải tuân thủ quy định tại Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác 2006 (không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm):

- Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác.

- Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến.

- Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác.

- Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

- Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi.

- Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

- Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

- Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Ban biên tập thông tin đến bạn!

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
417 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào