Bản ghi âm có được coi là chứng cứ không?

Mẹ tôi cách đây 02 tháng bị bệnh nặng nên có nói miệng là sẽ chia tài sản cho các con. Sau đó mẹ tôi qua đời (tuần trước) thì anh chị em không nghe theo việc chia tài sản của mẹ mà bắt đầu tranh giành tài sản. Tuy nhiên, khi mẹ trên giường bệnh và lúc chia tài sản thì tôi có ghi âm lại lời nói của mẹ. Vậy anh chị trong Ban biên tập cho tôi hỏi việc chia tài sản bằng lời nói của mẹ tôi có hiệu lực pháp luật không? Nếu lời nói của mẹ tôi không có hiệu lực thì đoạn ghi âm của tôi có thể sử dụng để làm bằng chứng cho việc chia tài sản không? Mong anh chị tư vấn giúp tôi Thanh Thanh (016***)

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì:

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Trong trường hợp mẹ Anh/Chị lập di chúc miệng và đáp ứng điều kiện nêu trên thì di chúc miệng (lời nói của mẹ Anh/Chị) được xem là hợp pháp và các con phải thực hiện theo.

Về đoạn ghi âm của Anh/Chị:

Theo quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:

Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Đoạn ghi âm có thể được xác định là tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử và là nguồn của chứng cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Việc xác định chứng cứ được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

Như vậy, đoạn ghi âm của Anh/Chị chỉ được coi là chứng cứ chứng minh khi nó được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của Anh/Chị về xuất xứ của đoạn ghi âm đó. Trường hợp không đáp ứng được các điều kiện đó thì đoạn ghi âm của Anh/Chị chỉ được xem là tài liệu liên quan, có giá trị tham khảo chứ không thể có giá trị chứng minh.

Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
277 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào