Hướng dẫn cách kê khai thuế GTGT cho chi nhánh
Căn cứ pháp lý: Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC
- Đối với chi nhánh hạch toán độc lập: Kê khai tại chi nhánh đó
- Đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
a. Nếu chi nhánh ở cùng tỉnh với trụ sở chính thì thực hiện khai thuế GTGT chung cho cả đơn vị trực thuộc
Nếu chi nhánh có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.
Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke, Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế.
b. Nếu chi nhánh ở khác tỉnh với trụ sở chính thì nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế của chi nhánh đó.
+ Nếu chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính.
Trường hợp có dự án kinh doanh bất động sản thì thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh hoạt động kinh doanh bất động sản.
VD: Công ty kinh doanh bất động sản A có trụ sở tại Hà Nội, Công ty là chủ đầu tư dự án phát triển nhà tại thành phố Đà Nẵng, Công ty thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng để quản lý dự án thì chi nhánh Công ty A phải thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản này tại Đà Nẵng.
Trường hợp chi nhánh kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị trực thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn GTGT.
+ Đối với những cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu có hạch toán kế toán thì đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại nơi sản xuất.
Nếu cơ sở sản xuất không thực hiện hạch toán kế toán thì thực hiện khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế tại nơi có cơ sở sản xuất.
Số thuế GTGT phải nộp cho cơ sở sản xuất trực thuộc được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra. Việc xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản phẩm hoặc doanh thu của sản phẩm cùng loại tại nơi có cơ sở sản xuất.
Trường hợp tổng số thuế GTGT phải nộp cho cơ sở sản xuất lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của trụ sở chính thì trụ sở chính tự phân bổ số thuế phải nộp cho cơ sở sản xuất như sau:
Số thuế GTGT phải nộp cho cơ sở sản xuất = số thuế GTGT phải nộp của trụ sở chính nhân x tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm do cơ sở sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại nơi có cơ sở sản xuất trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp.
Nếu trụ sở chính không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì không phải nộp thuế cho cơ sở sản xuất.
Trụ sở chính lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT cùng với hồ sơ khai thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp, và gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT nêu trên tới các cơ quan thuế tại nơi có cơ sở sản xuất.
Căn cứ số thuế GTGT được phân bổ giữa địa phương nơi đóng trụ sở chính và địa phương nơi có cơ sở sản xuất trên Bảng phân bổ theo mẫu số 01-6/GTGT nêu trên, trụ sở chính lập chứng từ nộp thuế GTGT cho địa phương nơi có trụ sở chính và địa phương nơi có cơ sở sản xuất. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính đăng ký kê khai thuế và địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc.
VD1: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% và do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 8/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính của công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 25 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là:
500 triệu x 2% = 10 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là:
600 triệu x 2% = 12 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là:
25 triệu - 10 triệu - 12 triệu = 3 triệu đồng.
VD2: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 3 nhà máy sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hà Nội, Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 9/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hà Nội là 200 triệu.
Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của Công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 20 triệu đồng.
Theo nguyên tắc tạm nộp tại các địa phương theo tỷ lệ 2% doanh thu đối với hàng hóa chịu thuế 10%, Công ty A xác định số thuế GTGT phải nộp cho Hải Phòng và Hưng Yên là: 500 triệu x 2% + 600 triệu x 2% = 22 triệu. Như vậy khi xác định theo nguyên tắc này thì số thuế phải nộp cho các địa phương sẽ lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của Công ty A tại trụ sở chính. Vì vậy, Công ty A tự phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương như sau:
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là:
20 triệu x 500 triệu / (500 triệu + 600 triệu +200 triệu) = 7.69 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là:
20 triệu x 600 triệu / (500 triệu + 600 triệu + 200 triệu) = 9.23 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là:
20 triệu - 7.69 triệu - 9.23 triệu = 3.08 triệu đồng.
VD3: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.
Trong kỳ khai thuế tháng 10/2014: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 400 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 500 triệu. Tháng 10/2014, Công ty A không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính. Công ty A cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng cho Hải Phòng và Hưng Yên.
Ban biên tập thông tin đến bạn!
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?
- Giấy thông hành là gì? Giấy thông hành biên giới Việt Nam Lào sẽ được cấp cho những ai?
- Hồ sơ cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe từ 01/01/2025 bao gồm những giấy tờ gì?
- Mẫu đơn xin nghỉ thai sản bù hè của giáo viên mới nhất?