Đình chỉ, chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh
Đình chỉ, chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh được quy định tại Điều 11 Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:
1. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đình chỉ tối đa mười hai (12) tháng đối với một hoặc một số hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP.
2. Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh chỉ được phục hồi hoạt động kinh doanh sau khi đã khắc phục được hết các hành vi dẫn tới bị đình chỉ hoạt động. Trường hợp không khắc phục được sau thời gian bị đình chỉ hoạt động, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh bị buộc phải chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh.
3. Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh. Việc thu hồi thực hiện trong các trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP.
4. Trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh phải nộp hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh. Hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
b) Biên bản họp, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc Quyết định chủ sở hữu về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh và thông qua phương án xử lý các vấn đề liên quan;
c) Phương án xử lý các hợp đồng kinh doanh chứng khoán phái sinh còn hiệu lực, bao gồm cả phương án xử lý các tài khoản và tài sản ký quỹ của khách hàng.
5. Hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này được lập thành một (01) bộ gốc kèm theo tệp thông tin điện tử. Bộ hồ sơ gốc được gửi trực tiếp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc gửi qua đường bưu điện.
6. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản cho phép chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
7. Tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh bị buộc phải chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh trong các trường hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP .
8. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh bị buộc phải chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh theo quy định tại khoản 7 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh.
9. Kể từ khi nhận được văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1, khoản 6, khoản 8 Điều này:
a) Trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh có trách nhiệm công bố thông tin về việc đình chỉ, chấm dứt hoạt động chứng khoán phái sinh; phương án, thời hạn và lộ trình xử lý các hợp đồng còn hiệu lực. Thời hạn xử lý phải bảo đảm nhà đầu tư có tối thiểu bốn mươi lăm (45) ngày để xử lý các vị thế và chuyển khoản tài sản ký quỹ, nhưng không vượt quá sáu mươi (60) ngày, kể từ ngày công bố thông tin;
b) Trong thời hạn năm (05) ngày, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh gửi thông báo cho từng khách hàng của mình về phương án xử lý hợp đồng với khách hàng.
10. Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động, tổ chức kinh doanh chứng khoán có trách nhiệm:
a) Thực hiện các hoạt động theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP;
b) Dừng tự doanh chứng khoán phái sinh, trừ trường hợp giao dịch đối ứng; dừng thực hiện các giao dịch tạo lập thị trường (nếu có);
c) Không được ký mới các hợp đồng kinh doanh chứng khoán phái sinh. Đối với các hợp đồng kinh doanh chứng khoán phái sinh còn hiệu lực:
- Ngừng tiếp nhận, thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng, trừ giao dịch đối ứng; ngừng tiếp nhận tài sản ký quỹ của khách hàng, trừ trường hợp bổ sung ký quỹ;
- Chốt số dư, thực hiện tất toán tài khoản khách hàng; thanh lý vị thế và hoàn trả tài sản ký quỹ cho khách hàng; thỏa thuận, bàn giao quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, chuyển tài khoản, tài sản ký quỹ cho thành viên thay thế. Trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đình chỉ hoạt động chỉ phải thực hiện quy định này khi khách hàng có yêu cầu;
- Thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của Trung tâm lưu ký chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán nhằm giảm vị thế của khách hàng.
d) Nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ.
11. Trong thời hạn năm (05) ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh nộp hồ sơ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả xử lý, bao gồm các tài liệu sau:
a) Danh sách khách hàng với đầy đủ thông tin nhận diện khách hàng, số tài khoản giao dịch, số tài khoản ký quỹ và danh mục tài sản ký quỹ, vị thế trên từng tài khoản; lý do không thể tất toán, xử lý các tài khoản còn tồn (nếu chưa xử lý được);
b) Biên bản thanh lý, có xác nhận của thành viên bù trừ thay thế và tài liệu xác nhận việc đã hoàn tất bàn giao toàn bộ tài khoản, tài sản ký quỹ (nếu có) của khách hàng cho thành viên thay thế;
c) Quyết định rút tư cách thành viên của Sở giao dịch chứng khoán (đối với thành viên giao dịch), Trung tâm lưu ký chứng khoán (đối với thành viên bù trừ).
12. Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo kết quả quy định tại khoản 11 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản cho phép chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh hoặc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh. Trường hợp từ chối Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
13. Thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động, hồ sơ báo cáo kết quả chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh. Trường hợp hồ sơ không chính xác, giả mạo, những người này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn năm (05) năm, kể từ ngày nộp hồ sơ quy định tại khoản 11 Điều này đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trên đây là tư vấn về đình chỉ, chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 11/2016/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mùng 4/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương lịch? Mùng 4 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Tốc độ tối đa đối với xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ từ 1/1/2025?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của cán bộ công chức viên chức: Chốt nghỉ 09 ngày liên tiếp?
- Ở đại hội đảng viên, đảng viên đề cử đảng viên chính thức bằng hình thức nào?
- Lịch nghỉ Tết nguyên đán 2025 dài hơn 02 ngày so với năm 2024?