Muốn làm việc lại sau khi nộp đơn nghỉ hưu?

Tôi là giáo viên trong biên chế trường tiểu học ở huyện Vụ Bản, tỉnh Hòa Bình, đã có thâm niên hơn 30 năm. Tôi sinh ngày 1-2-1958. Theo quy định tại nghị định 132/2007, vào đầu năm 2011 tôi đã đăng ký nghỉ hưu từ ngày 31-12-2011. Tuy nhiên, sau đó tôi được biết về chế độ hỗ trợ thâm niên cho giáo viên và từ ngày 1-1-2012 công chức được nâng hệ số lương, vì thế nếu nghỉ hưu sớm theo chế độ của nghị định 132 tôi sẽ bị thiệt, do đó tôi muốn tiếp tục làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tôi đã liên hệ với Phòng Giáo dục huyện Lương Sơn nhưng nhận được câu trả lời vì phòng giáo dục đã họp bàn, quyết định và chốt danh sách gửi cho Sở Nội vụ nên yêu cầu của tôi khó có thể được giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mới nhận được danh sách giáo viên nghỉ hưu gửi về trường chứ chưa có bất kỳ quyết định nào. Vì thế tôi muốn hỏi: 1. Nay tôi muốn tiếp tục được làm việc cho đến hết tuổi nghỉ hưu thì phải làm những thủ tục gì, căn cứ theo quy định nào của pháp luật? 2. Trường hợp các cơ quan không giải quyết cho tôi thì tôi phải khiếu nại ở đâu? (Lê Thị Thúy)

 

- Từ những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

1. Theo khoản 1 mục I thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 24-9-2007 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế thì đối tượng, phạm vi áp dụng chính sách tinh giản biên chế được quy định như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến cấp huyện; một số chức danh quản lý trong công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 và trong nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng tinh giản biên chế, bao gồm:

(a) Những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức, biên chế để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, biên chế và tài chính mà không thể bố trí công việc khác phù hợp tại cơ quan, đơn vị đó;

(b) Những người thôi giữ chức vụ lãnh đạo bao gồm: cán bộ bầu cử và bổ nhiệm, do sắp xếp tổ chức hoặc không tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, không bố trí được theo vị trí công việc mới;

(c) Những cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của vị trí công việc đang đảm nhận, nhưng không có vị trí công tác khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại được để chuẩn hóa về chuyên môn; những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị không hợp lý và không thể bố trí, sắp xếp được công việc khác;

(d) Những người không hoàn thành nhiệm vụ đối với công việc được giao trong hai năm liền kề gần đây do năng lực chuyên môn nghiệp vụ yếu, hoặc sức khỏe không bảo đảm hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật kém nhưng chưa đến mức buộc thôi việc theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức;

(e) Thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, thành viên ban kiểm soát của các công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa…

2. Nguyên tắc tinh giản biên chế được quy định tại điều 3 nghị định 132/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2007 của Chính phủ (nghị định 132/2007/NĐ-CP) về chính sách tinh giản biên chế như sau:

(a) Việc tinh giản biên chế được thực hiện trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, bố trí lại lao động trong cơ quan, đơn vị.

(b) Việc tinh giản biên chế phải được thực hiện công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật.

(c) Không làm ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Việc chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng tinh giản biên chế phải đảm bảo kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng.

(d) Việc lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán số tiền trợ cấp cho từng đối tượng phải đảm bảo chính xác, trung thực, rõ ràng.

(e) Không áp dụng chính sách tinh giản biên chế đối với những người vì lý do cá nhân xin được vận dụng chính sách tinh giản biên chế.

3. Trình tự thực hiện tinh giản biên chế được quy định tại điều 4 nghị định 132/2007/NĐ-CP như sau:

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai tinh giản biên chế theo các trình tự sau:

(a) Phối hợp với tổ chức công đoàn trong cơ quan, đơn vị phổ biến, quán triệt chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại nghị định này đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

(b) Rà soát chức năng, nhiệm vụ để định rõ những nhiệm vụ không còn phù hợp cần loại bỏ, những nhiệm vụ trùng lắp cần chuyển giao sang cơ quan, đơn vị khác; những nhiệm vụ cần phân cấp quản lý cho cấp dưới, địa phương hoặc giao cho tổ chức sự nghiệp hoặc doanh nghiệp đảm nhận.

(c) Sắp xếp lại các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo hướng thu gọn đầu mối, bỏ khâu trung gian, mỗi cơ cấu được giao nhiều việc, gắn với cải tiến quy chế làm việc, cải cách thủ tục hành chính.

(d) Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức theo các nội dung sau:

- Xác định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và tiêu chuẩn nghiệp vụ cho từng vị trí công việc trong cơ quan, đơn vị;

- Phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn, nghiệp vụ đối với ngạch công chức, viên chức gắn với đánh giá trình độ, năng lực, kết quả công tác và phẩm chất đạo đức, sức khỏe của từng người;

- Lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất để đưa vào quy hoạch ổn định, lâu dài;

- Có kế hoạch tinh giản biên chế theo từng kỳ/năm (sáu tháng một lần).

(e) Xây dựng đề án tinh giản biên chế trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

(f) Thanh toán chế độ, chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế và thực hiện quyết toán kinh phí chi trả trợ cấp cho đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Từ những căn cứ pháp luật mà chúng tôi vừa nêu, nếu bạn thấy trường hợp của mình không thuộc đối tượng tinh giản biên chế và/hoặc việc tinh giản biên chế sai nguyên tắc hoặc không đúng trình tự theo quy định thì bạn có thể làm đơn khiếu nại lên Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vụ Bản theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi cho mình.

 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
245 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào