Đưa, nhận tiền chạy việc phạm tội gì?
Việc đưa và nhận tiền chạy việc vào cơ quan nhà nước không còn quá xa lạ với xã hội ngày nay. Tuy nhiên, đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật khi xét thấy có dấu hiệu phạm tội.
Theo đó, theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 và vấn đề mà bạn đang thắc mắc thì có thể chia ra hai trường hợp như sau:
1. Đối với người nhận tiền chạy việc:
Có thể có nhiều trường hợp xảy ra như sau:
a. Trường hợp 1:
Trường hợp có cơ sở để xác định người nhận tiền chạy việc có khả năng chạy việc và thực hiện hành vi để chạy việc nhưng không xin được việc và cũng không trả lại tiền đã nhận cho người đã đưa tiền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
b. Trường hợp 2:
Trường hợp có cơ sở để xác định người nhận tiền chạy việc biết rõ là mình không có khả năng chạy việc nhưng vẫn nhận tiền chạy việc thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 và Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
c. Trường hợp 3:
Trường hợp có cơ sở để xác định người nhận tiền chạy việc là người có chức vụ, quyền hạn và có thể sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chạy việc cho người đưa tiền hoặc cho một người nào khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 và Điểm r Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ:
- Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Lợi ích phi vật chất.
2. Đối với người đưa tiền chạy việc
Trường hợp có cơ sở để xác định một người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa tiền (lợi ích khác) cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác để người có chức vụ, quyền hạn chạy việc cho họ hoặc chạy việc cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hối lộ:
- Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên;
- Lợi ích phi vật chất.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tội phạm về chức vụ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?