Điều kiện xin giấy phép bán lẻ điện
Khoản 5 Điều 3 Luật Điện lực 2004 có quy định:
Bán lẻ điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện.
Theo thông tin Anh/Chị cung cấp thì công ty Anh/Chị có nhu cầu bán điện cho dân cư. Căn cứ quy định trên, trong trường hợp này, công ty Anh/Chị phải xin giấy phép hoạt động bán lẻ điện. Để được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép này, công ty Anh/Chị cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 33 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, cụ thể:
Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật và cá nhân đăng ký hoạt động bán lẻ điện phải đáp ứng điều kiện sau:
1. Người trực tiếp quản lý kinh doanh bán lẻ điện phải có bằng trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành điện, kinh tế, tài chính hoặc chuyên ngành tương tự và có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mua bán điện ít nhất 03 năm. (Khoản này được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 6 Điều 6 Nghị định 08/2018/NĐ-CP)
Khoản 2 và Khoản 3 bị bãi bỏ bởi Khoản 6 Điều 7 Nghị định 08/2018/NĐ-CP.
Như vậy, công ty Anh/Chị phải đáp ứng được điều kiện nêu trên theo quy định của pháp luật.
Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện được quy định tại Điều 9 Thông tư 36/2018/TT-BCT, bao gồm:
1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép.
3. Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kinh doanh theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp, thẻ an toàn điện của người có tên trong danh sách.
Ngoài ra theo quy định tại Điều 13 Thông tư 36 thì:
- Anh/Chị có thể nộp hồ sơ đến Cục Điều tiết điện lực để được cấp giấy phép hoạt động bán lẻ điện;
- Đối với hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương, Anh/Chị nộp hồ sơ đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực được quy định tại Điều 11 Thông tư 36 như sau:
1. Chậm nhất trước 15 ngày làm việc tính từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại, tổ chức tham gia hoạt động phát điện phải nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực.
2. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực gửi cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Chương II Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
3. Hình thức nộp hồ sơ được quy định như sau:
a) Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực: Thực hiện trên cổng Dịch vụ công trực tuyến.
Trong trường hợp hồ sơ điện tử có dung lượng lớn hoặc các tài liệu theo quy định của pháp luật không được gửi qua mạng thông tin điện tử thì có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường dịch vụ bưu chính.
b) Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thực hiện gửi trực tiếp, qua đường dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực (nếu có).
4. Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực trực tuyến được thực hiện như sau:
a) Hồ sơ trực tuyến thực hiện theo hướng dẫn trên cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương, cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thực hiện đăng ký tài khoản trên Dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ: http://online.moit.gov.vn; sử dụng tài khoản đã đăng ký để khai báo và gửi hồ sơ trực tuyến;
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trên cổng Dịch vụ công trực tuyến, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại cơ sở (nếu cần thiết) và cấp giấy phép hoạt động điện lực.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc cấp giấy phép thuộc thẩm quyền theo hình thức trực tuyến (nếu có) phù hợp với quy định tại Thông tư này.
5. Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực không qua trực tuyến được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nếu hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ. Trong văn bản thông báo, phải nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung hoặc sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan để hoàn thiện hồ sơ;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu, các thông tin liên quan và trả lời bằng văn bản.
Trong thời hạn 60 ngày tính từ ngày cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung mà tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép không sửa đổi, bổ sung hồ sơ và trả lời bằng văn bản, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại cơ sở (nếu cần thiết) và cấp giấy phép hoạt động điện lực.
6. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế nếu thấy tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan, cơ quan cấp giấy phép có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép bổ sung để đáp ứng điều kiện hoặc từ chối cấp giấy phép bằng văn bản (nêu rõ lý do).
7. Giấy phép hoạt động điện lực được cấp gồm 03 bản chính: 01 bản giao cho đơn vị được cấp giấy phép, 02 bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực.
8. Trước khi giấy phép hoạt động điện lực hết thời hạn sử dụng 30 ngày, đơn vị điện lực được cấp giấy phép có nhu cầu tiếp tục hoạt động phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Khoản 2 Điều này và thực hiện trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định.
9. Đối với trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hỏng, đơn vị điện lực phải đề nghị cơ quan cấp giấy phép cấp lại, trong đó nêu rõ lý do.
Như vậy, sau khi đáp ứng đủ điều kiện, Anh/Chị thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép bán lẻ điện theo quy định.
Thời hạn của giấy phép bán lẻ điện là 10 năm, trường hợp công ty Anh/Chị đề nghị thời hạn giấy phép hoạt động điện lực ngắn hơn thời hạn nêu trên thì giấy phép cấp theo thời hạn đề nghị.
Về giá bán lẻ điện, công ty Anh/Chị thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Điện lực 2004, Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Luật điện lực sửa đổi 2012:
Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật này.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện phải được thực hiện công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành liên quan đến việc điều chỉnh giá. Nhà nước sử dụng các biện pháp để bình ổn giá bán điện phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?
- Giấy thông hành là gì? Giấy thông hành biên giới Việt Nam Lào sẽ được cấp cho những ai?