Quân nhân phục viên thi công chức có được ưu tiên?
Ngày 23/2/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về chế độ, chính sách đối với sĩ quan nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, nghỉ theo chế độ bệnh binh; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần, sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 5 của Nghị định này, sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ không đủ điều kiện để nghỉ hưu hoặc không chuyển ngành được thì phục viên về địa phương và được hưởng các quyền lợi như sau:
- Được hưởng trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ; được ưu tiên học nghề hoặc giới thiệu việc làm tại các tổ chức giới thiệu việc làm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức kinh tế
- xã hội khác.
- Được hưởng trợ cấp phục viên một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương.
- Được hưởng chế độ BHXH và các chế độ khác theo quy định hiện hành của pháp luật.
Sĩ quan đã phục viên về địa phương trong thời gian không quá một năm, kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực, nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được thực hiện chế độ chuyển ngành. Khi thực hiện chế độ chuyển ngành thì phải hoàn trả khoản trợ cấp phục viên một lần và trợ cấp BHXH một lần đã nhận. Cơ quan, đơn vị quân đội nhân dân ra quyết định chuyển ngành có trách nhiệm thu lại số tiền trợ cấp phục viên và trợ cấp BHXH đã nhận.
Được ưu tiên khi thi tuyển công chức. viên chức
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 9 và khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC ngày 21/7/2009 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP thì, sĩ quan, QNCN đã phục viên về địa phương trong thời gian không quá một năm (12 tháng), kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực, nếu chuyển ngành được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng các chế độ, chính sách như sau:
Sĩ quan, QNCN chuyển ngành được ưu tiên cộng điểm theo quy định của pháp luật vào tổng kết quả thi tuyển trong trường hợp phải thi tuyển công chức, viên chức.
Sĩ quan, QNCN chuyển ngành được xếp lương theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP như sau: Được xếp lương phù hợp với công việc mới đảm nhiệm. Trường hợp hệ số lương mới thấp hơn hệ số lương sĩ quan đã được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương sĩ quan với hệ số lương (theo công việc) mới trong thời gian tối thiểu là 18 tháng, kể từ khi quyết định chuyển ngành có hiệu lực và do cơ quan, đơn vị mới chi trả. Trong thời gian bảo lưu, nếu hệ số lương mới được xếp bằng hoặc cao hơn hệ số lương sĩ quan đã được hưởng trước khi chuyển ngành thì hưởng hệ số lương mới.
Trường hợp Ngô Xuân Phúc là QNCN đã phục viên, nhưng ông không nêu rõ thời điểm phục viên. Căn cứ các quy định nêu trên, nếu ông Phúc còn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực mà thi tuyển công chức, viên chức thì ông được ưu tiên trong thi tuyển theo quy định của pháp luật. Hiện nay, chế độ ưu tiên khi thi tuyển công chức áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Chế độ ưu tiên khi thi tuyển viên chức áp dụng khoản 2 Điều 10 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Nếu trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực mà ông Phúc trúng tuyển vào cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước, thì ông phải hoàn trả lại tiền trợ cấp phục viên một lần và trợ cấp BHXH một lần đã nhận. Cơ quan, đơn vị quân đội sẽ ra quyết định chuyển ngành và có trách nhiệm thu lại số tiền trợ cấp phục viên và trợ cấp BHXH đã nhận. Ông Phúc sẽ được bảo lưu thời gian đã đóng BHXH ở quân đội để cộng nối tiếp thời gian làm việc đóng BHXH tại cơ quan, đơn vị mới tuyển dụng.
Ông Phúc được cơ quan đơn vị tuyển dụng xếp lương phù hợp với công việc mới đảm nhiệm. Trường hợp hệ số lương mới thấp hơn hệ số lương sĩ quan QNCN đã được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu hệ số chênh lệch giữa hệ số lương sĩ quan QNCN với hệ số lương (theo công việc) mới trong thời gian tối thiểu là 18 tháng, kể từ khi quyết định chuyển ngành có hiệu lực và do cơ quan, đơn vị mới chi trả. Trong thời gian bảo lưu, nếu hệ số lương mới được xếp bằng hoặc cao hơn hệ số lương sĩ quan đã được hưởng trước khi chuyển ngành thì hưởng hệ số lương mới.
Nếu ông Phúc đã phục viên quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực thì không thuộc trường hợp áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP và khoản 1 Điều 9 và khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?