Trình tự, thủ tục quy hoạch chức danh lãnh đạo Kiểm toán nhà nước
Tại Điều 11 Quy định quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 2035/QĐ-KTNN năm 2018 quy định về trình tự, thủ tục quy hoạch chức danh lãnh đạo Kiểm toán nhà nước như sau:
1. Đối với nguồn quy hoạch trong ngành
a) Bước 1: Đề xuất chủ trương quy hoạch
- Trên cơ sở kết quả quy hoạch lãnh đạo cấp vụ, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp các thông tin cơ bản về cán bộ, công chức; tham mưu và đề xuất danh sách nhân sự có triển vọng dự kiến đưa vào quy hoạch Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước, Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước cho ý kiến chỉ đạo.
- Nội dung các thông tin cơ bản về cán bộ, công chức gồm: họ và tên, năm sinh, năm vào Đảng, chức vụ, ngạch bậc công chức, đơn vị công tác, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, quá trình công tác.
b) Bước 2: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để giới thiệu nguồn quy hoạch
- Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước phối hợp với lãnh đạo Kiểm toán nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy phiếu giới thiệu nguồn quy hoạch cán bộ Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
- Thành phần: Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước, Thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, Lãnh đạo cấp vụ và tương đương trong toàn ngành, Bí thư Đảng bộ (Chi bộ) các đơn vị trực thuộc; Chủ tịch và Phó chủ tịch Công đoàn Kiểm toán nhà nước, Bí thư Đoàn thanh niên Kiểm toán nhà nước, công chức là chuyên viên cao cấp và tương đương.
- Nội dung hội nghị:
+ Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước chủ trì phối hợp với lãnh đạo Kiểm toán nhà nước quán triệt mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn cán bộ quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo Kiểm toán nhà nước; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến chức danh quy hoạch lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
+ Vụ Tổ chức cán bộ cung cấp danh sách kèm theo thông tin về cán bộ, công chức dự kiến đưa vào quy hoạch chức danh lãnh đạo Kiểm toán nhà nước. Các đại biểu dự hội nghị có thể giới thiệu thêm nguồn quy hoạch ngoài danh sách đã được chuẩn bị trước (nếu có).
+ Các đại biểu dự hội nghị bỏ phiếu giới thiệu. Tiến hành thu phiếu, kiểm phiếu và lập biên bản kiểm phiếu.
Đối với các đơn vị Kiểm toán nhà nước khu vực ở xa, nếu không tham gia được hội nghị tập trung, Ban Cán sự đảng có thể tham khảo ý kiến qua thư, nhưng phải bảo đảm khách quan, bí mật thông tin giới thiệu (người tham gia bỏ phiếu giới thiệu gửi lại Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước ý kiến của mình trong phong bì do Vụ Tổ chức cán bộ chuẩn bị sẵn; mở bóc bì để kiểm phiếu cùng lúc).
Các trường hợp có tỷ lệ phiếu giới thiệu trên 50% tổng số thành viên thuộc thành phần được ghi phiếu đồng ý thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước cử công chức làm việc với cấp ủy hoặc chính quyền cơ sở nơi cư trú của cán bộ, công chức được giới thiệu quy hoạch để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của bản thân và gia đình cán bộ, công chức được giới thiệu quy hoạch.
c) Bước 3: Lấy ý kiến của Đảng ủy Kiểm toán nhà nước
Căn cứ kết quả hội nghị, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp kết quả, hồ sơ giới thiệu quy hoạch lãnh đạo Kiểm toán nhà nước báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước, Bí thư Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước để xin ý kiến về cán bộ, công chức dự kiến quy hoạch và lấy ý kiến của Ban chấp hành Đảng ủy Kiểm toán nhà nước.
d) Bước 4: Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước và tập thể Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước xem xét, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Trên cơ sở kết quả các bước đã tiến hành nêu trên, hội nghị Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước, tập thể Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước thảo luận và ghi phiếu quyết định giới thiệu quy hoạch cán bộ Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, các cán bộ, công chức được trên 50% tổng số thành viên thuộc thành phần được ghi phiếu đồng ý và đảm bảo số lượng quy định tại Điều 3 Quy định này thì đưa vào danh sách quy hoạch, lập tờ trình đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) xem xét quyết định đưa vào quy hoạch các chức danh Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
Hồ sơ trình gồm có:
- Tờ trình đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương;
- Trích ngang lý lịch nhân sự giới thiệu quy hoạch;
- Lý lịch cán bộ, công chức được giới thiệu quy hoạch (khai theo mẫu quy định) có dán ảnh, có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ, công chức;
- Bản tự nhận xét, đánh giá của cán bộ, công chức;
- Kê khai tài sản;
- Ý kiến đánh giá của cấp ủy nơi cư trú đối với cán bộ, công chức được giới thiệu quy hoạch;
- Bản nhận xét, đánh giá của Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước và Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước đối với từng cán bộ, công chức thuộc danh sách giới thiệu quy hoạch;
- Kết quả và tỷ lệ phiếu giới thiệu quy hoạch (gồm phiếu của hội nghị chủ chốt và phiếu của hội nghị Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước);
- Biên bản hội nghị;
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ.
2. Đối với nguồn quy hoạch từ ngoài ngành
Sau khi Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán nhà nước giới thiệu nhân sự ngoài ngành dự kiến đưa vào quy hoạch các chức danh Lãnh đạo của Kiểm toán nhà nước, Vụ Tổ chức cán bộ liên hệ với cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đang công tác để thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào quy hoạch, thông báo cho địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đang công tác và cá nhân cán bộ đó biết, không tổ chức lấy phiếu giới thiệu đối với nhân sự đó (cả nơi cán bộ đang công tác và tại Kiểm toán nhà nước).
Trên đây là trình tự, thủ tục quy hoạch chức danh lãnh đạo Kiểm toán nhà nước.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Các cơ quan, đơn vị Cảnh sát giao thông nào có trách nhiệm tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông đường bộ?
- Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhãn hiệu có thể được bảo hộ trong bao lâu?
- Hướng dẫn viết đơn xin thuê đất mới nhất hiện nay?
- Quyền sở hữu công nghiệp gồm các quyền nào?
- Từ 01/01/2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm có phải thi lại không?