Quy trình thành lập hội đồng trường, bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường
Quy trình thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường được quy định tại Điều 13 Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định 3268/QĐ-BGDĐT năm 2018 như sau:
1. Đối với cơ sở giáo dục đại học chưa có hội đồng trường
a) Bước 1: Lập đề án trình Bộ trưởng, Ban Cán sự đảng về việc thành lập hội đồng trường và bầu chủ tịch hội đồng trường.
Trên cơ sở Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, Đảng ủy trường chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập hội đồng trường, trong đó xác định rõ số lượng; cơ cấu thành viên; quy trình lựa chọn các thành viên, bầu chủ tịch, thư ký hội đồng trường; dự kiến phương án nhân sự giới thiệu bầu chủ tịch hội đồng trường; gửi xin ý kiến Bộ trưởng (qua Vụ TCCB), Ban Cán sự đảng (qua Văn phòng BCSĐ).
Vụ TCCB thẩm định, báo cáo Bộ trưởng, Ban Cán sự đảng xem xét thông qua Đề án thành lập hội đồng trường và phương án nhân sự giới thiệu bầu Chủ tịch hội đồng trường.
b) Bước 2: Bầu thành viên và Chủ tịch hội đồng trường.
Căn cứ Đề án được phê duyệt, Hiệu trưởng tổ chức bầu các thành viên đại diện cho giảng viên, nghiên cứu viên; đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý trường cử đại diện tham gia hội đồng trường; xác định danh sách các thành viên bên ngoài không phải giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của trường. Sau đó, Hiệu trưởng tổ chức họp các thành viên trong danh sách tham gia hội đồng trường để bầu Chủ tịch hội đồng trường theo nguyên tắc bỏ phiếu kín.
Trường hợp phát sinh tình huống phức tạp, Hiệu trưởng báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban Cán sự đảng trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
c) Bước 3: Hiệu trưởng chỉ đạo hoàn thiện và gửi hồ sơ đề nghị thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng về Bộ GDĐT.
d) Bước 4: Thẩm định hồ sơ.
- Văn phòng BCSĐ thẩm định, tham mưu Ban Cán sự đảng gửi văn bản để trao đổi ý kiến với Đảng ủy cấp trên của trường về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường.
- Sau khi có ý kiến của Đảng ủy cấp trên của trường, Vụ TCCB thẩm định, báo cáo kết quả thực hiện quy trình để Bộ trưởng, Ban Cán sự đảng xem xét, quyết định.
đ) Bước 5: Quyết định thành lập hội đồng, bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường.
Sau khi được Ban Cán sự đảng đồng ý, Vụ TCCB trình Bộ trưởng xem xét, ký quyết định thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường.
2. Đối với cơ sở giáo dục đại học đã có hội đồng trường
Chủ tịch hội đồng trường đương nhiệm tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này để đề nghị thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp.
3. Hồ sơ đề nghị thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường, gồm:
- Tờ trình đề nghị thành lập hội đồng trường, trong đó nêu rõ quy trình xác định các thành viên hội đồng trường;
- Danh sách và sơ yếu lý lịch của chủ tịch và các thành viên của hội đồng trường;
- Văn bản của cơ quan trực tiếp quản lý trường cử thành viên tham gia hội đồng trường;
- Văn bản đồng ý tham gia hội đồng trường của các thành viên không phải giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường;
- Biên bản họp, biên bản kiểm phiếu bầu Chủ tịch hội đồng trường và các thành viên đại diện cho khoa, viện thuộc trường.
4. Thay thế thành viên hội đồng trường
a) Đối với trường hợp phải thay thế Chủ tịch hội đồng trường, Bí thư Đảng ủy trường tổ chức họp tập thể lãnh đạo để thống nhất chủ trương, đề xuất quy trình bầu và phương án nhân sự, báo cáo Bộ trưởng, Ban Cán sự đảng.
Sau khi có chủ trương của Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy trường thực hiện bầu Chủ tịch mới theo phương án được duyệt, báo cáo Bộ trưởng (qua Vụ TCCB), Ban Cán sự đảng (qua Văn phòng BCSĐ) xem xét quyết định.
Hồ sơ gồm: Tờ trình nêu rõ lý do thay thế Chủ tịch hội đồng trường, văn bản liên quan đến Chủ tịch hội đồng trường đương nhiệm, biên bản họp, biên bản kiểm phiếu, hồ sơ nhân sự được bầu theo quy định và minh chứng có liên quan.
b) Đối với các trường hợp phải thay thế thành viên đại diện cho giảng viên, nghiên cứu viên, Chủ tịch hội đồng trường đề xuất quy trình lựa chọn nhân sự phù hợp để hội đồng trường thông qua, tổ chức thực hiện quy trình theo quy định, báo cáo Bộ trưởng (qua Vụ TCCB) xem xét, quyết định.
Hồ sơ gồm: Tờ trình nêu rõ lý do cần bổ sung, thay thế; biên bản họp hội đồng trường; biên bản kiểm phiếu, hồ sơ nhân sự được bầu theo quy định và các minh chứng có liên quan.
c) Đối với trường hợp phải thay thế thành viên đương nhiên hoặc thành viên bên ngoài trường, Chủ tịch hội đồng trường đề xuất nhân sự phù hợp để hội đồng trường xem xét, thống nhất thông qua, báo cáo Bộ trưởng (qua Vụ TCCB) xem xét quyết định.
Hồ sơ gồm: Tờ trình nêu rõ lý do cần bổ sung, thay thế; biên bản họp hội đồng trường; hồ sơ nhân sự được bầu theo quy định và các minh chứng có liên quan; đối với trường hợp thay thế thành viên đại diện Bộ GDĐT, Chủ tịch hội đồng trường báo cáo Bộ trưởng (qua Vụ TCCB) xem xét, quyết định.
5. Việc thành lập hội đồng đại học vùng và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng đại học vùng được thực hiện theo các quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành.
Trên đây là nội dung quy định về quy trình thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 3268/QĐ-BGDĐT năm 2018.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?