Nội dung chi, mức chi của các cuộc Điều tra thống kê do ngân sách trung ương bảo đảm

Nội dung chi, mức chi của các cuộc Điều tra thống kê do ngân sách trung ương bảo đảm được quy định như thế nào? Tôi cần tìm hiểu về vấn đề này để phục vụ cho nhu cầu công việc. Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Cảm ơn! Ngọc Hân - han*****@gmail.com

Nội dung chi, mức chi của các cuộc Điều tra thống kê do ngân sách trung ương bảo đảm được quy định tại Điều 3 Thông tư 109/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

1. Chi hỗ trợ cơ quan chủ trì tổ chức Điều tra thống kê xây dựng phương án Điều tra thống kê, lập mẫu phiếu Điều tra thống kê và tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả Điều tra thống kê theo phương thức khoán. Mức khoán (đã bao gồm chi hội nghị, họp hội đồng thẩm định, nghiệm thu, chi thuê chuyên gia chọn mẫu Điều tra thống kê và các Khoản chi khác liên quan trực tiếp đến phương án Điều tra thống kê, lập mẫu phiếu Điều tra thống kê và tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả Điều tra thống kê) như sau:

a) Chi xây dựng phương án Điều tra thống kê và lập mẫu phiếu Điều tra thống kê: Tối đa 30 triệu đồng;

b) Chi tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả Điều tra thống kê:

- Cơ quan chủ trì Điều tra thống kê ở trung ương: Tối đa 30 triệu đồng.

- Cơ quan Điều tra thống kê cấp tỉnh (nếu có): Tối đa 10 triệu đồng.

Tùy theo quy mô, tính chất của cuộc Điều tra thống kê, Thủ trưởng cơ quan chủ trì tổ chức Điều tra thống kê quyết định mức khoán cụ thể đối với mỗi hoạt động nêu trên cho phù hợp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao khoán được quyết định nội dung và mức chi trong phạm vi kinh phí được giao khoán để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

2. Chi xây dựng sổ tay nghiệp vụ cho Điều tra viên thống kê theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về chi biên soạn giáo trình đào tạo cho các ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.

3. Chi in tài liệu hướng dẫn Điều tra thống kê, sổ tay nghiệp vụ cho Điều tra viên thống kê, phiếu Điều tra thống kê, biểu mẫu Điều tra thống kê, xuất bản ấn phẩm Điều tra thống kê (nếu có): Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu mua sắm thường xuyên nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị của nhà nước.

4. Chi tập huấn nghiệp vụ Điều tra thống kê các cấp: Nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu hội nghị được quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là Thông tư số 97/2010/TT-BTC).

5. Chi tiền công:

a) Tiền công thuê ngoài:

- Các nội dung chi thuê ngoài: Rà soát, lập danh sách đối tượng được Điều tra thống kê (chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết phải thuê ngoài đối với cuộc Điều tra thống kê được tiến hành Điều tra thống kê lần đầu tiên hoặc các cuộc Điều tra thống kê có thay đổi về đối tượng được Điều tra thống kê theo quy định của phương án Điều tra thống kê), thu thập số liệu Điều tra thống kê, phúc tra phiếu Điều tra thống kê, phiên dịch tiếng dân tộc kiêm dẫn đường, thuê người dẫn đường không phải phiên dịch.

- Về mức chi: Mức tiền công bình quân thuê ngoài để thực hiện các công việc nêu trên được tính theo mức tiền lương tối thiểu vùng cao nhất tính theo ngày do Nhà nước quy định tại thời Điểm tiến hành Điều tra thống kê. Trong phạm vi dự toán được giao, tùy vào địa bàn cụ thể, cơ quan chủ trì Điều tra thống kê quyết định mức thanh toán tiền công thực hiện các công việc nêu trên cho phù hợp.

(Ví dụ: Mức lương tối thiểu vùng cao nhất do Nhà nước quy định là 3.500.000 đồng/tháng. Định mức tiền công ngày để lập dự toán tiền công thuê ngoài là: 3.500.000 đồng : 22 ngày = 159.000 đồng).

Riêng đối với tiền công của người dẫn đường không phải phiên dịch: Mức chi bằng 70% mức tiền công thuê người phiên dịch kiêm dẫn đường.

b) Trường hợp công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã, phường, thị trấn tham gia rà soát, lập danh sách đơn vị được Điều tra thống kê, thu thập số liệu Điều tra thống kê, phúc tra phiếu Điều tra thống kê được chi hỗ trợ bằng 50% mức tiền công thuê Điều tra viên thống kê quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 3 Thông tư này;

c) Trường hợp cuộc Điều tra thống kê có nội dung Điều tra chuyên sâu, phức tạp, không sử dụng Điều tra viên thống kê thuê ngoài mà sử dụng công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị để thực hiện Điều tra thống kê thì được thanh toán không quá 50% mức tiền công thuê Điều tra viên thống kê quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 3 Thông tư này.

Đối với trường hợp công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị thực hiện Điều tra thống kê ngoài giờ hành chính thì được thanh toán tối đa không quá mức tiền công thuê Điều tra viên thống kê quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 3 Thông tư này và không được thanh toán tiền lương làm ngoài giờ, phụ cấp công tác phí.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện Điều tra thống kê quyết định cử người có chuyên môn nghiệp vụ thống kê, có kinh nghiệm khai thác thông tin tham gia thu thập thông tin Điều tra thống kê, phúc tra phiếu Điều tra thống kê (ngoài nhiệm vụ thường xuyên) theo yêu cầu của phương án Điều tra thống kê.

d) Căn cứ phương án Điều tra thống kê được phê duyệt, thủ trưởng cơ quan chủ trì tổ chức Điều tra thống kê thực hiện khoán tiền công Điều tra thống kê quy định tại Điểm a, b và c Khoản này theo số phiếu Điều tra thống kê phù hợp với địa bàn Điều tra thống kê. Việc thanh toán tiền cho Điều tra viên thống kê căn cứ biên bản nghiệm thu số lượng, chất lượng phiếu Điều tra thống kê và số tiền công theo phiếu Điều tra thống kê.

6. Chi công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Điều tra thống kê, phúc tra phiếu Điều tra thống kê: Nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC .

7. Chi cho đối tượng cung cấp thông tin; mức chi cụ thể như sau:

a) Đối với cá nhân:

- Dưới 30 chỉ tiêu hoặc 30 chỉ tiêu: Tối đa 40.000 đồng/phiếu.

- Trên 30 chỉ tiêu đến 40 chỉ tiêu: Tối đa 50.000 đồng/phiếu.

- Trên 40 chỉ tiêu: Tối đa 60.000 đồng/phiếu.

b) Đối với tổ chức (không bao gồm các cơ quan, đơn vị của nhà nước thực hiện cung cấp thông tin theo quy định):

- Dưới 30 chỉ tiêu hoặc 30 chỉ tiêu: Tối đa 85.000 đồng/phiếu.

- Trên 30 chỉ tiêu đến 40 chỉ tiêu: Tối đa 100.000 đồng/phiếu.

- Trên 40 chỉ tiêu: Tối đa 115.000 đồng/phiếu.

Căn cứ vào hình thức cung cấp thông tin, cơ quan chủ trì tổ chức Điều tra thống kê quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp. Trường hợp đối tượng cung cấp thông tin là các cơ quan, đơn vị của nhà nước mức chi hỗ trợ cung cấp thông tin bằng 50% mức chi quy định tại Điểm b, Khoản này.

8. Chi vận chuyển tài liệu Điều tra thống kê, thuê xe phục vụ Điều tra thống kê thực địa: Thanh toán theo giá ghi trên vé, hóa đơn mua vé, hóa đơn và hợp đồng vận chuyển. Trường hợp vận chuyển ở địa bàn không có phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật mà phải thuê phương tiện vận tải khác thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị Điều tra thống kê xem xét quyết định cho thanh toán tiền thuê phương tiện vận chuyển trên cơ sở hợp đồng thuê phương tiện hoặc giấy biên nhận với chủ phương tiện theo mức giá thuê trung bình thực tế ở địa phương trong phạm vi dự toán được giao hoặc thanh toán tối đa bằng 0,2 lít xăng/km tính theo Khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời Điểm sử dụng.

9. Chi xử lý kết quả Điều tra thống kê:

a) Nghiệm thu, kiểm tra, đánh mã số, làm sạch và hoàn thiện phiếu Điều tra thống kê: Thực hiện khoán tiền công trên cơ sở tiền thù lao thuê Điều tra viên thống kê thu thập số liệu; mức khoán cụ thể tùy theo tính chất phức tạp của phiếu Điều tra thống kê trong các cuộc Điều tra thống kê, nhưng tối đa không quá 7% tiền công chi trả Điều tra viên thống kê thu thập số liệu;

b) Chi xây dựng phần mềm tin học để nhập tin và xử lý, tổng hợp số liệu Điều tra thống kê (nếu cần thiết); chi nhập tin và xử lý dữ liệu, tổng hợp số liệu;

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu, duy trì trang Web, xuất bản các sản phẩm điện tử về kết quả Điều tra thống kê.

Nội dung và mức chi của Điểm b, c thực hiện theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì Điều tra chịu trách nhiệm trong việc quyết định nội dung chi này đảm bảo Tiết kiệm.

10. Chi biên soạn ấn phẩm Điều tra thống kê (nếu có): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

11. Chi công bố kết quả Điều tra thống kê: Tùy theo tính chất và sự cần thiết của cuộc Điều tra thống kê, Thủ trưởng cơ quan chủ trì Điều tra thống kê quyết định việc công bố kết quả Điều tra thống kê trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo cơ quan chức năng hoặc tổ chức hội nghị để công bố. Nội dung và mức chi tổ chức hội nghị để công bố kết quả Điều tra thống kê thực hiện theo chế độ chi tổ chức hội nghị quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ; chi công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu mua sắm thường xuyên nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị của nhà nước.

12. Các Khoản chi khác liên quan đến cuộc Điều tra thống kê, bao gồm:

a) Văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, xăng xe và các Khoản chi phí khác để thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến công tác Điều tra thống kê: Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

b) Phiên dịch (nếu có), biên dịch tài liệu nước ngoài phục vụ Điều tra thống kê: Mức chi thực hiện theo quy định về chi phiên dịch, biên dịch tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 6/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước;

c) Làm ngoài giờ: Trong phạm vi dự toán được giao, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện Điều tra thống kê thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

13. Chi Điều tra thử để hoàn thiện phương án, phương pháp, chỉ tiêu, định mức công, mẫu phiếu Điều tra thống kê:

Đối với cuộc Điều tra thống kê được tiến hành Điều tra thống kê lần đầu tiên, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì Điều tra thống kê quyết định Điều tra thử trong trường hợp cần thiết trong phạm vi dự toán được giao để hoàn thiện phương án, phương pháp, chỉ tiêu, định mức công, mẫu phiếu Điều tra thống kê. Nội dung, mức chi Điều tra thử thực hiện theo các quy định tương ứng tại Điều này.

Trên đây là tư vấn về nội dung chi, mức chi của các cuộc Điều tra thống kê do ngân sách trung ương bảo đảm. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 109/2016/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chúc sức khỏe và thành công! 

 

Ngân sách trung ương
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Ngân sách trung ương
Hỏi đáp Pháp luật
Các khoản thu ngân sách trung ương được hưởng 100% mới nhất?
Hỏi đáp Pháp luật
Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước có phải là nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100% không?
Hỏi đáp Pháp luật
Ban hành Nghị quyết về việc bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vacxin để tiêm chủng mở rộng năm 2023?
Hỏi đáp Pháp luật
Ngân sách trung ương có những nguồn thu nào? Ngân sách trung ương được chi vào những công việc gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Chính phủ có biện pháp gì khi ngân sách trung ương tạm thời thiếu hụt?
Hỏi đáp pháp luật
Ngân sách trung ương là gì?
Hỏi đáp pháp luật
Ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho địa phương thông qua các chương trình mục tiêu nào trong kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn?
Hỏi đáp pháp luật
Cơ chế huy động vốn cho đầu tư phát triển ở Đà Nẵng bằng ngân sách trung ương
Hỏi đáp pháp luật
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án khẩn cấp nhóm B sử dụng vốn ngân sách Trung ương trong đầu tư công được quy định thế nào?
Hỏi đáp pháp luật
Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách Trung ương đối với dự án nhóm C quy mô nhỏ được quy định như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Ngân sách trung ương
Thư Viện Pháp Luật
1,928 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Ngân sách trung ương

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Ngân sách trung ương

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào