Hồ sơ đăng ký kết hôn khi một trong hai bên không có mặt
Trên cơ sở nội dung câu hỏi của bạn Đỗ Thị Nhàn, Ban biên tập Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp trả lời như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (Nghị định số 126/2014/NĐ-CP) thì hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp, do vậy chị có thể chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký kết hôn trực tiếp tại Sở Tư pháp mà không cần người yêu chị (người dự định đăng ký kết hôn) có mặt.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP và Điều 6, Thông tư số 02a/2015/TT-BTP ngày 23/02/2015 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký kết hôn của mỗi bên theo mẫu quy định:
Mỗi bên phải làm Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định, ghi thông tin của hai bên nam, nữ; ký, ghi rõ họ tên của người làm Tờ khai. Trường hợp cả hai bên có mặt khi nộp hồ sơ thì chỉ cần làm 01 Tờ khai đăng ký kết hôn, ghi thông tin của hai bên nam, nữ; ký, ghi rõ họ tên của hai người.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng. Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó.
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
- Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam kết hôn với nhau).
- Ngoài giấy tờ quy định nêu trên, tùy từng trường hợp, bên nam, bên nữ phải nộp giấy tờ tương ứng sau đây:
+ Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến bảo vệ bí mật nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó;
+ Đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì còn phải có giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
+ Đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam thì còn phải có giấy xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp, trừ trường hợp pháp luật của nước đó không quy định cấp giấy xác nhận này.
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước Australia lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các việc kết hôn phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.
Thứ ba, thời hạn giải quyết hồ sơ là 25 ngày, trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 10 ngày. Do vậy bạn và người yêu cần bố trí và sắp xếp công việc hợp lý để được giải quyết theo quy định.
Bên cạnh đó, cũng cần trao đổi thêm để bạn biết, theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP thì khi tổ chức đăng ký kết hôn, cả hai bên đều phải có mặt. Trường hợp có lý do chính đáng mà không đến để tổ chức đăng ký kết hôn theo lịch hẹn thì phải có yêu cầu gia hạn thời gian tổ chức lễ đăng ký kết hôn và thời gian gia hạn là không quá 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết thời hạn 90 ngày mà không đến tổ chức lễ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc không tổ chức lễ đăng ký kết hôn, nếu hai bên vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Cập nhật mức tăng lương hưu từ trước đến nay? Có được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu hay không?
- Chính phủ quyết định tăng lương hưu cho cán bộ công chức viên chức, người lao động từ 01/7/2025 được điều chỉnh dựa trên cơ sở nào?
- Kế hoạch Tổ chức Cuộc thi viết Vòng tay Công đoàn lần 5 năm 2024?
- 05 Mẫu bài phát biểu nghỉ hưu hay nhất dành cho giáo viên?