Tiếp nhận, xử lý hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau thời điểm làm thủ tục hải quan

Em là sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế TP HCM. Em đang làm đề tài nghiên cứu có chủ đề về hoạt động thương mại quốc tế. Em có thắc mắc về pháp lý trong lĩnh vực hải quan. Anh chị cho em hỏi: Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau thời điểm làm thủ tục hải quan được quy định như thế nào? Rất mong nhận được câu trả lời từ quý anh chị! Nguyễn Ngọc Thủy (0120***)

Tiếp nhận, xử lý hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau thời điểm làm thủ tục hải quan được quy định tại Điều 13 Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 1919/QĐ-TCHQ năm 2018 như sau:

1. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ giảm thuế

a) Chi cục Hải quan đăng ký tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu nơi phát sinh số tiền thuế người nộp thuế đề nghị giảm chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại cơ sở sản xuất của tổ chức cá nhân chịu sự giám sát hải quan theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP) bị hư hỏng, mất mát do nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

b) Việc tiếp nhận, phân công xử lý hồ sơ thực hiện tương tự quy định tại khoản 1 Điều 12 Quy trình này.

2. Trình tự thực hiện:

a) Chi cục Hải quan

a.1) Sau khi tiếp nhận hồ sơ giảm thuế, công chức được giao nhiệm vụ xử lý hồ sơ thực hiện kiểm tra hồ sơ giảm thuế, các chứng từ có liên quan. Đối chiếu các thông tin về số tiền thuế người nộp thuế đề nghị giảm với dữ liệu trên hệ thống VNACCS, Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan VCIS, Hệ thống E- Customs và các chương trình quản lý có liên quan.

a.2) Chi cục Hải quan tiếp nhận hồ sơ làm công văn báo cáo tóm tắt nội dung vụ việc kèm toàn bộ hồ sơ về Cục Hải quan tỉnh, thành phố ngay trong ngày làm việc hoặc vào đầu giờ của ngày làm việc kế tiếp.

b) Cục Hải quan tỉnh, thành phố:

b.1) Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, kiểm tra thông tin, thẩm định tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ Cục Hải quan tỉnh, thành phố có công văn kèm toàn bộ hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính xem xét quyết định giảm thuế theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

b.2) Đối với trường hợp hồ sơ giảm thuế nộp sau thời điểm làm thủ tục hải quan (quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP) cần phải tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, cơ quan hải quan ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan theo quy định tại khoản 74 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 143 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Nội dung kiểm tra thực tế hàng hóa bị thiệt hại tại trụ sở người nộp thuế bao gồm:

b.2.1) Kiểm tra hồ sơ đề nghị giảm thuế của người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP;

b.2.2) Kiểm tra toàn bộ các chứng từ tài liệu có liên quan đến hàng hóa bị thiệt hại như biên bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại (biên bản xác nhận vụ cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy của địa phương nơi xảy ra vụ cháy; văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại cho nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu; biên bản, văn bản xác phải được lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xảy ra thiệt hại theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP);

b.2.3) Kiểm tra chi tiết số hàng hóa người nộp thuế đã kê khai bị thiệt hại, số tiền thuế người nộp thuế đề nghị giảm thuế. Đối chiếu với tên hàng, mã số, xuất xứ, số lượng, chủng loại, quy cách, đơn giá, tổng trị giá của hàng hóa bị thiệt hại (trừ trường hợp hàng hóa bị thiệt hại không thể kiểm tra được thực tế như xăng dầu, chất lỏng, chất cháy; hàng hóa bị thiệt hại toàn bộ do thiên tai, hỏa hoạn thì căn cứ vào giấy chứng nhận giám định của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định);

b.2.4) Kiểm tra hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán, các dữ liệu, tài liệu có liên quan đến hàng hóa bị thiệt hại (nếu cần thiết);

b.2.5) Sau khi kết thúc kiểm tra lập Biên bản kiểm tra theo mẫu số 24/BBKT/TXNK được quy định tại Phụ lục Ill Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC. Trường hợp kết quả kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế xác định đủ điều kiện giảm thuế, trong biên bản kiểm tra phải nêu rõ số tiền thuế theo từng loại thuế đủ điều kiện xem xét giảm thuế.

b.2.6) Trường hợp kết quả kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế xác định không đủ điều kiện giảm thuế, đơn vị kiểm tra sau thông quan chuyển toàn bộ hồ sơ và kết luận kiểm tra cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai nhập khẩu thông báo cho người nộp thuế biết lý do không được giảm thuế, số tiền thuế phải nộp theo mẫu số 12/TBKTT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT- BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC .

b.2.7) Trường hợp hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện, máy móc, thiết bị nhập khẩu thuộc đối tượng giảm thuế nhưng hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu, sổ sách chứng từ kế toán, chứng từ thanh toán, cơ sở dữ liệu của người nộp thuế bị thiệt hại toàn bộ, không xác định được số liệu thiệt hại thực tế, Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận hồ sơ giảm thuế gửi văn bản đề nghị cơ quan Thuế địa phương cung cấp số liệu từ hệ thống dữ liệu lưu trữ của cơ quan thuế. Sau khi nhận được các tài liệu do cơ quan Thuế cung cấp, cơ quan hải quan thực hiện đối chiếu với hồ sơ, dữ liệu trên hệ thống của cơ quan hải quan để thẩm định tính đầy đủ chính xác của hồ sơ, trường hợp có đủ căn cứ để xác định số tiền thuế được giảm thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố lập hồ sơ báo cáo Tổng cục Hải quan theo quy định tại điểm c khoản này.

c) Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoàn chỉnh hồ sơ kèm công văn báo cáo Tổng cục Hải quan trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hàng hóa thực tế bị thiệt hại tại trụ sở người nộp thuế. Trong báo cáo phải xác định chi tiết số tiền thuế theo từng loại thuế tương ứng với số lượng hàng hóa bị thiệt hại; số tiền thuế người nộp thuế đã kê khai, đã nộp (nếu có); số tiền thuế cơ quan hải quan đã ấn định (nếu có); số tiền đủ điều kiện giảm theo từng loại thuế; số tiền thuế không đủ điều kiện giảm (nếu có) về Tổng cục Hải quan (Cục Thuế xuất nhập khẩu) để trình Bộ Tài chính quyết định giảm thuế theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

4. Tổng cục Hải quan (Cục Thuế xuất nhập khẩu)

Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ thực hiện theo quy trình xử lý hồ sơ của Tổng cục Hải quan có hiệu lực tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ giảm thuế.

5. Trình tự thực hiện sau khi có văn bản của Bộ Tài chính:

a) Công chức xử lý hồ sơ thực hiện:

a.1) Kiểm tra hồ sơ giảm thuế;

a.2) Đối chiếu số tiền đề nghị giảm thuế với dữ liệu trên hệ thống VNACCS, Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan VCIS, hệ thống kế toán tập trung, Hệ thống E-Customs và các chương trình quản lý có liên quan.

a.3) Dự thảo Tờ trình theo mẫu 02/TT/TXNK; Quyết định ấn định thuế mẫu 07/QĐAĐT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC (nếu có); Quyết định giảm thuế mẫu 04/QĐ- TXNK ban hành kèm theo quy trình này báo cáo lãnh đạo bộ phận trình lãnh đạo Chi cục phê duyệt.

b) Lãnh đạo Đội/bộ phận thực hiện:

Kiểm tra nội dung công chức đề xuất, đối chiếu với các dữ liệu trên hệ thống, các tài liệu có liên quan trong hồ sơ, ký và ghi rõ ý kiến vào Tờ trình, trình lãnh đạo Chi cục phê duyệt.

c) Lãnh đạo Chi cục thực hiện:

Kiểm tra lại các nội dung trong hồ sơ, phê duyệt vào Tờ trình, ký quyết định giảm thuế và các chứng từ có liên quan.

6. Phát hành quyết định giảm thuế

Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 12 quy trình này.

7. Trường hợp Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo không đủ điều kiện giảm thuế:

a) Chi cục Hải quan đã tiếp nhận hồ sơ giảm thuế gửi thông báo cho người nộp thuế biết lý do không được giảm thuế theo mẫu số 12/TBKTT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC. Yêu cầu người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ số tiền thuế tương ứng với số lượng hàng hóa bị tổn thất không đủ điều kiện giảm thuế theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Trường hợp tờ khai nhập khẩu ban đầu có hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế, không có dữ liệu về số tiền thuế phải nộp (VD: Hàng hóa nhập sản xuất xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để gia công xuất khẩu) sau khi cơ quan hải quan thông báo không đủ điều kiện giảm thuế nếu người nộp thuế không tự giác kê khai, nộp thuế cho cơ quan hải quan thì thực hiện ấn định thuế theo quy định tại Điều 39 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11, Điều 33 Nghị định 83/2013/NĐ-CP theo mẫu số 07/QĐAĐT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Trên đây là nội dung quy định về việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau thời điểm làm thủ tục hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1919/QĐ-TCHQ năm 2018.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào