Quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán
Theo quy định tại Điều 5 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 2396/QĐ-BTC năm 2017 thì:
Bộ Tài chính thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, cụ thể bao gồm:
1. Quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu:
a) Quyết định mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán theo phân công của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
b) Ban hành Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
c) Phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm (05) năm; kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
d) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
đ) Quản lý và giám sát sử dụng vốn của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán:
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đầu tư, điều chỉnh vốn điều lệ.
- Xem xét, phê duyệt phương án huy động vốn, đầu tư vốn ra bên ngoài của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
- Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, Hội đồng quản trị, Bộ máy điều hành, Ban kiểm soát đối với hoạt động quản lý, sử dụng vốn nhà nước; có ý kiến về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền đối với hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán theo quy định của pháp luật.
e) Quản lý và giám sát sử dụng tài sản của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán:
- Xem xét, có ý kiến chấp thuận các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán làm thay đổi mô hình tổ chức hoạt động giao dịch, đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
- Xem xét, phê duyệt việc mua sắm tài sản cố định; cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản; thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và các hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu ghi trong báo cáo tài chính quý hoặc năm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán tại thời điểm gần nhất hoặc trên mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công.
- Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát đối với hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản.
g) Quản lý cơ cấu tổ chức và điều hành của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán:
- Quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận đơn xin từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc.
- Quyết định cử đi công tác nước ngoài đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc.
- Có ý kiến chấp thuận chủ trương về việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với các chức danh Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng.
- Có ý kiến về số lượng các phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ trong bộ máy giúp việc của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
h) Rà soát và có ý kiến bằng văn bản đối với kế hoạch tài chính của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán để làm cơ sở giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
i) Quản lý lao động và tiền lương theo quy định của pháp luật áp dụng đối với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, bao gồm:
- Quyết định việc xếp lương đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc theo quy định của pháp luật.
- Phê duyệt quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện hàng năm đối với người quản lý.
- Có ý kiến về lao động kế hoạch hàng năm, quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện hàng năm của người lao động.
- Giám sát thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, Ban kiểm soát theo quy định của Bộ luật Lao động.
k) Đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý, Ban kiểm soát và phương án phân phối lợi nhuận của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, bao gồm:
- Thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp hàng năm theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện đánh giá kết quả hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp và Ban kiểm soát theo quy định của pháp luật.
- Phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế hàng năm của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
l) Ban hành Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát.
m) Thực hiện các quyền và trách nhiệm khác của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu:
a) Đầu tư đủ vốn điều lệ cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
b) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trong phạm vi số vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
c) Bảo đảm quyền kinh doanh theo pháp luật của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2396/QĐ-BTC năm 2017.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Địa điểm bán pháo hoa Bộ Quốc phòng (pháo hoa Z121) tại TP Đà Nẵng?
- Bộ Đề thi GDCD lớp 7 cuối học kì 1 có đáp án năm 2024-2025?
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 tỉnh Long An?
- Link Bình chọn WeChoice Awards 2024 https wechoice vn? Hạn WeChoice Awards 2024 Vote đến ngày mấy?
- Trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là gì?