Ngôi bất thường

Ngôi thai lý tưởng nhất để cuộc sinh nở thuận lợi là ngôi xoay đầu, đầu bé chúc xuống và gáy quay về phía bụng mẹ. Tuy nhiên, nhiều thai phụ đi khám và phát hiện thai có ngôi bất thường vì nhiều lý do. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kiểm tra định kỳ. Là một nữ hộ sinh, tôi cũng muốn tìm hiểu, cập nhật kiến thức cho công việc của mình. Vì thế, Ban tư vấn cho tôi hỏi Bộ Y tế quy định như thế nào về ngôi bất thường? Hy vọng Ban tư vấn có thể dành chút thời gian hỗ trợ cho thắc mắc của tôi, chân thành cảm ơn. Ngọc Hiền (lala***@gmail.com) 

Ngôi bất thường được quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016 như sau:

1. Ngôi mặt.

- Là ngôi đầu ngửa tối đa, mặt thai nhi trình diện trước eo trên.

- Ngôi mặt được chẩn đoán xác định trong quá trình theo dõi chuyển dạ đẻ bằng thăm âm đạo.

1.1. Chẩn đoán.

- Ngôi đầu, nắn ngoài, có dấu hiệu nhát rìu nếu là kiểu cằm sau, nếu là kiểu cằm trước sờ thấy cằm có hình móng ngựa. Không bao giờ thấy thóp sau hoặc thóp trước khi thăm trong.

- Chẩn đoán xác định bằng thăm âm đạo, tìm được mốc của ngôi là mỏm cằm, việc chẩn đoán xác định sẽ dễ hơn khi cổ tử cung đã mở, nhưng phải cẩn thận khi thăm khám để không làm vỡ ối.

- Cần chẩn đoán phân biệt với ngôi trán, ngôi mông.

1.2. Xử trí.

Tuyến xã

Tư vấn, chuyển tuyến trên.

Tuyến huyện

- Chỉ có ngôi mặt cằm trước có thể đẻ đường âm đạo. Nếu đẻ đường âm đạo có thể có hỗ trợ bằng forceps, tuyệt đối không được dùng giác kéo

- Ngôi mặt cằm sau tự quay được về cằm trước cũng có thể đẻ đường âm đạo.

- Cuộc đẻ ngôi mặt diễn ra lâu và khó khăn hơn đẻ ngôi chỏm.

- Chỉ định phẫu thuật lấy thai cho những trường hợp ngôi mặt cằm sau hoặc cằm trước có kết hợp thêm các yếu tố đẻ khó khác.

2. Ngôi trán và ngôi thóp trước.

Là ngôi trung gian giữa ngôi mặt và chỏm, đầu không cúi hẳn mà cũng không ngửa hẳn, trán hoặc thóp trước của thai trình diện trước eo trên.

2.1. Chẩn đoán.

- Lúc bắt đầu chuyển dạ là một ngôi đầu cao lỏng.

- Chẩn đoán xác định dựa vào việc thăm âm đạo khi cổ tử cung mở được từ 3 cm trở lên, ối đã vỡ và ngôi đã cố định chặt.

- Sờ thấy gốc mũi, 2 hố mắt, trán và thóp trước (ngôi trán) hoặc thấy thóp trước ở chính giữa tiểu khung (ngôi thóp trước).

- Không bao giờ sờ thấy thóp sau và mỏm cằm.

- Cần chẩn đoán phân biệt với ngôi mặt và ngôi chỏm.

2.2. Xử trí.

Tuyến xã.

Theo dõi sát các cuộc chuyển dạ để phát hiện sớm, nếu nghi ngờ ngôi trán hoặc thóp trước cần tư vấn và chuyển tuyến trên.

Tuyến huyện trở lên.

Phẫu thuật lấy thai khi có chẩn đoán xác định.

3. Ngôi mông.

- Là một loại ngôi dọc, đầu thai nằm ở phía đáy tử cung, mông trình diện trước eo trên.

- Là một ngôi đẻ khó do đầu là phần quan trọng nhất, to nhất và rắn nhất lại đẻ ra sau cùng, nguy cơ mắc đầu hậu có thể làm cho thai chết hoặc sang chấn do lấy đầu hậu khó khăn.

3.1. Chẩn đoán.

- Ngôi dọc, đầu ở đáy tử cung.

- Thăm âm đạo sờ thấy xương cùng, lỗ hậu môn và hai mông thai nhi, một hoặc hai bàn chân cùng với mông.

- Chẩn đoán phân biệt với: ngôi mặt, ngôi vai, ngôi đầu sa chi.

3.2. Xử trí.

Tuyến xã.

- Tư vấn, thai từ 36 tuần chuyển tuyến trên theo dõi và xử trí.

- Nếu có chuyển dạ phải chuyển ngay lên tuyến trên sau khi cho thuốc giảm co.

Tuyến huyện trở lên.

Cần xem xét các yếu tố để tiên lượng cho cuộc đẻ ngôi mông (xem bài “Các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ”).

- Phẫu thuật lấy thai cho những ngôi mông khi có kết hợp với bất kỳ một yếu tố nguy cơ nào.

- Đỡ đẻ đường dưới khi có những điều kiện thuận lợi.

4. Ngôi vai.

- Trong ngôi vai thai không nằm theo trục của tử cung mà nằm ngang hoặc chếch, trục của thai không trùng với trục của tử cung.

- Mốc của ngôi là mỏm vai, ngôi vai không có cơ chế đẻ nên hầu hết các trường hợp đều phải phẫu thuật lấy thai. Chỉ làm nội xoay thai cho thai thứ 2 trong song thai.

4.1. Chẩn đoán

- Tử cung bè ngang, nắn thấy đầu ở mạng sườn hoặc hố chậu, chiều cao tử cung thấp hơn so với tuổi thai, thăm âm đạo thấy tiểu khung rỗng, ối rất phồng. Khi có chuyển dạ nếu ối vỡ, cổ tử cung mở có thể sờ thấy mỏm vai hoặc tay thai nhi ở trong âm đạo.

- Có thể dùng siêu âm để chẩn đoán.

- Chẩn đoán phân biệt với ngôi mông.

4.2. Xử trí.

Tuyến xã.

- Tư vấn, thai từ 36 tuần chuyển tuyến trên theo dõi và xử trí.

- Nếu có chuyển dạ phải chuyển ngay lên tuyến trên sau khi cho thuốc giảm co.

Tuyến huyện trở lên.

- Phẫu thuật lấy thai khi có chuyển dạ đẻ.

- Nội xoay thai cho thai thứ hai ngôi vai trong trường hợp sinh đôi, đủ điều kiện nội xoay.

Trên đây là nội dung quy định về ngôi bất thường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
374 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào