Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo trong thi hành án

Chồng tôi là người phải thi hành án. Tôi có một thửa đất là tài sản được tặng cho riêng cá nhân tôi, đã được cơ quan nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, chấp hành viên phía bên cơ quan thi hành án dân sự xác định đó là tài sản chung của vợ chồng nên đã cưỡng chế kê biên, bán đấu giá đất của tôi. Trước khi kê biên phía bên thi hành án có hướng dẫn tôi yêu cầu Tòa án chia tài sản chung. Nhưng khi tham khảo một số ý kiến có nói là quyền sử dụng đất là của riêng cá nhân tôi, nên không cần phải yêu cầu chia tài sản chung. Sau khi cơ quan thi hành án cưỡng chế, tôi có khiếu nại nhưng cơ quan thi hành án không giải quyết vì nói là thời hiệu đã hết. Hỏi: Tôi phải làm gì để đòi lại tài sản của mình? Thời hiệu để khiếu nại là bao lâu? (Thị Hương - Đồng Nai)

Nếu thật sự quyền sử dụng đất đó được tặng riêng cho bạn và đã làm giấy tờ đầy đủ thì căn cứ theo quy định tại Khoản 31 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014, có quy định xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án như sau:

1. Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự.

Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.

2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

3. Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung.

Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, Chấp hành viên thông báo và định thời hạn cho chủ sở hữu chung mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản; đối với những lần bán tài sản tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn ưu tiên mà chủ sở hữu chung không mua tài sản thì tài sản được bán theo quy định tại Điều 101 của Luật này.

=> Theo như thông tin bạn cung cấp chấp hành viên đó xét thấy phần đất đó là tài sản chung nên đã tiến hành cưỡng chế kê biên và bán đấu giá theo quy định pháp luật. Trường hợp, bạn thấy mình có đầy đủ căn cứ chứng minh mảnh đất đó là tài sản của riêng bạn và Chấp hành viên cưỡng chế kê biên, bán đấu giá là vi phạm pháp luật bạn cần đến cơ quan Thi hành án dân sự để khiếu nại về hành vi đó của chấp hành viên. vấn đề thời hiệu thì phái trên có nêu rõ bạn vui lòng tìm hiểu nhé.

Đồng thời mình xin cung cấp thêm để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 154 và 155 Luật thi hành án dân sự 2008:

Điều 154. Người có quyền tố cáo

Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Điều 155. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Trình bày trung thực, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

b) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

Trên đây là nội dung tư vấn về Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo trong thi hành án.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
205 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào