Quy trình sử dụng chó nghiệp vụ

Trên thực tế, quá trình sử dụng chó nghiệp vụ có tác dụng răn đe, phòng ngừa, góp phần giữ vững an ninh trong địa bàn kiểm soát hải quan và ngăn ngừa tội phạm ma túy. Liên quan đến vấn đề này, anh chị trong ban biên tập cho em hỏi về quy trình sử dụng chó nghiệp vụ? Nội dung này được quy định trong văn bản pháp luật nào? Hy vọng sớm nhận được phản hồi từ ban biên tập. Em xin cảm ơn. Thanh Thiện (thien***@gmail.com)

Quy trình sử dụng chó nghiệp vụ được quy định tại Điều 10 Quy định về quy trình sử dụng chó nghiệp vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 3927/QĐ-TCHQ năm 2015 như sau:

Chó nghiệp vụ được sử dụng để thực hiện kiểm tra những đối tượng (hành khách, hàng hóa, phương tiện vận tải) do hệ thống quản lý rủi ro phân luồng chỉ định khi thực hiện thủ tục hải quan hoặc khi cơ quan hải quan có thông tin nghi vấn đối tượng cất giấu, vận chuyển hàng hóa bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu qua địa bàn hoạt động hải quan.

Trong mỗi ca làm việc cần có tối thiểu 02 huấn luyện viên và 02 chó nghiệp vụ để kiểm tra chéo, đảm bảo kết quả khách quan. Khi phát hiện ma túy thì áp dụng theo Quyết định 2005/QĐ-TCHQ về quy trình xử lý vụ việc bắt giữ ma túy, theo các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Kiểm tra phát hiện các loại hàng cấm cất giấu trong hàng hóa, phương tiện đang chịu sự giám sát hải quan.

1. Huấn luyện viên phối hợp với cán bộ giám sát, kiểm soát hải quan đưa CNV vào khu vực tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh chưa làm thủ tục hải quan hoặc hàng hóa phương tiện đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa xuất khẩu, xuất cảnh đang để trong kho, bến, bãi, trên băng chuyền tại các cảng biển, ga hàng không, ga xe lửa liên vận quốc tế và các điểm thông quan trong nội địa để ngửi phát hiện ma túy, chất nổ và các hàng cấm khác.

2. Huấn luyện viên điều khiển CNV ngửi hàng hóa, phương tiện theo chiến thuật chia khu vực để kiểm tra trọng điểm. Công chức hải quan làm nhiệm vụ giám sát kho, bãi yêu cầu chủ kho mở cửa kho, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho huấn luyện viên trong suốt quá trình làm việc của CNV. Nếu CNV phát hiện có hơi ma túy, chất nổ hàng cấm khác trong hàng hóa thì đánh giấu vị trí phát hiện, thông báo ngay cho công chức hải quan phối hợp bí mật giám sát và báo cáo lãnh đạo để kiểm tra chi tiết theo hướng dẫn tại Trường hợp 2.

Việc kiểm tra hàng hóa trong kho, bãi chỉ thực hiện trong giờ làm việc của doanh nghiệp kinh doanh kho bãi.

3. Trường hợp CNV phát hiện có hơi ma túy, chất nổ, hàng cấm khác trong hành lý nhập khẩu của khách nhập cảnh đang chờ nhận thì bí mật theo dõi xác định chủ hành lý, áp giải đối tượng và hành lý vào phòng làm việc để kiểm tra chi tiết theo hướng dẫn tại Trường hợp 2.

Trường hợp 2: kiểm tra phát hiện các loại hàng cấm cất giấu trong hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh trong quá trình kiểm tra hải quan.

Huấn luyện viên, công chức hải quan tham gia kiểm tra phải thực hiện các bước sau:

1. Bố trí đủ cán bộ, nhân viên để chủ động thực hiện các biện pháp đề phòng đối tượng chống cự, cướp, tẩu tán tang vật, chạy trốn.

2. Trực tiếp thông báo cho chủ hàng, người đại diện hợp pháp của chủ hàng hoặc người điều khiển phương tiện biết mục đích, nội dung và yêu cầu họ, chứng kiến quá trình kiểm tra.

3. Quan sát toàn diện bên ngoài, bên trong phương tiện và hàng hóa sẽ kiểm tra, phỏng vấn và quan sát hành vi, thái độ của chủ hàng hoặc người điều khiển phương tiện để phát hiện các vị trí nghi vấn giấu ma túy, chất nổ...

4. Yêu cầu chủ hàng xuất trình toàn bộ hàng hóa để CNV tác nghiệp được thuận lợi.

5. Sử dụng CNV kiểm tra lần lượt bên ngoài, bên trong phương tiện vận tải, hàng hóa; tập trung kiểm tra kỹ lưỡng những vị trí nghi vấn.

Ngoài hàng hóa, huấn luyện viên phải sử dụng CNV ngửi các loại bao bì đóng gói, các loại container, pallet (kệ, giá đỡ) các vật dụng khác đã và đang chứa hàng hóa được kiểm tra.

6. Khi CNV phát hiện có hơi ma túy, chất nổ hàng cấm trên phương tiện, hàng hóa, hành lý phải mở và kiểm tra chi tiết, xác định có hay không có ma túy, chất nổ.

7. Nếu phát hiện có hàng cấm được cất giấu thì thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 7 và Điều 12 của quy chế này.

8. Nếu không phát hiện ra hàng cấm thì làm thủ tục thông quan theo quy định.

Trường hợp 3: kiểm tra phát hiện các loại hàng cấm trong hoạt động tuần tra hải quan.

Sử dụng CNV tuần tra, kiểm soát trong địa bàn hoạt động hải quan để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm hoạt động:

1. Huấn luyện viên sử dụng CNV kiểm tra các địa điểm, đối tượng theo mệnh lệnh của tổ trưởng tổ tuần tra.

2. Trường hợp phát hiện có hơi ma túy, chất nổ thì báo cáo tổ trưởng tổ tuần tra, tổ chức bảo vệ khu vực, vị trí phát hiện ma túy và lục soát để xác định và thu giữ tang vật.

3. Trường hợp kiểm tra phát hiện có hơi ma túy, chất nổ trên người, hành lý của đối tượng thì áp tải đối tượng về trụ sở cơ quan để kiểm tra làm rõ.

4. Kết thúc tuần tra, tổ trưởng tuần tra xác nhận kết quả làm việc của huấn luyện viên và CNV. Báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất biện pháp xử lý vụ việc, tang vật và đối tượng đã phát hiện, cất giữ.

Trường hợp 4: sử dụng CNV trong khám xét theo thủ tục hành chính, tố tụng hình sự.

1. Khi có lệnh khám xét của cấp có thẩm quyền và phân công của thủ trưởng đơn vị, huấn luyện viên sử dụng CNV tham gia khám xét.

2. Người chỉ huy khám xét phải đảm bảo an toàn và tạo điều kiện để huấn luyện viên sử dụng CNV hoạt động thuận lợi.

3. Trong quá trình khám xét huấn luyện viên sử dụng CNV theo trình tự, thao tác nghiệp vụ đã được huấn luyện (chia khu vực và kiểm tra lần lượt hết các khu vực cần khám xét) và theo lệnh của người chỉ huy khám xét.

4. Khi CNV phát hiện có hơi ma túy, chất nổ, hàng cấm huấn luyện viên phải báo cáo ngay với người chỉ huy khám xét để lục soát, tìm kiếm và thu giữ tang vật.

Trên đây là nội dung quy định về quy trình sử dụng chó nghiệp vụ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 3927/QĐ-TCHQ năm 2015.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
219 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào