Tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên viên cao cấp tài chính

Tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên viên cao cấp tài chính được quy định như thế nào? Vì tính chất công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Anh/Chị trong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Anh/Chị cho tôi hỏi là tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên viên cao cấp tài chính được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo vấn đề này ở đâu? Tôi mong Ban biên tập có thể giải đáp thắc mắc giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn Anh/Chị trong Ban biên tập! Quang Đạt (quang_dat***@gmail.com)

Tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên viên cao cấp tài chính được quy định tại Mục IV Tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể ngạch công chức tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành kèm theo Quyết định 97/2000/QĐ-BTC như sau:

1. Chức trách:

Là công chức chuyên môn nghiệp vụ cao nhất về lĩnh vực tài chính trong hệ thống quản lý Nhà nước, giúp lãnh đạo chủ trì và tổ chức thực hiện quản lý lĩnh vực tài chính thuộc phạm vi, thẩm quyền.

Nhiệm vụ cụ thể:

- Chủ trì, nghiên cứu, xây dựng các chủ chương, chính sách kinh tế tài chính, đề án chiến lược phát triển của ngành trong phạm vi toàn quốc hoặc tham gia xây dựng đề án tổng hợp, gồm các việc:

+ Các phương án lớn có tầm cỡ chiến lược về tài chính hoặc tham gia xây dựng đề án tổng hợp kinh tế tài chính thuộc lĩnh vực chuyên môn theo từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

+ Các văn bản pháp luật, chính sách và cơ chế quản lý của ngành tài chính về lĩnh vực lớn (hoặc tổng hợp nhiều ngành ở tỉnh) theo các chủ chương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước.

+ Xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn, phương hướng về chính sách, chế độ tài chính quốc gia và các văn bản về chính sách, chế độ quản lý tài chính thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ trên cơ sở chủ chủ trương, chính sách của Nhà nước, của ngành.

+ Chủ trì tổ chức, chỉ đạo thực hiện các phương án, kế hoạch, hướng dẫn kiểm tra nghiệp vụ và đề xuất các biện pháp điều chỉnh, uốn nắn những sai lệch (đối với toàn bộ hệ thống quản lý nghiệp vụ của lĩnh vực tài chính) nhằm đảm bảo tổ chức quản lý chặt chẽ có hiệu lực và hiệu quả.

+ Chủ trì tổ chức việc phối hợp nghiệp vụ giữa các lĩnh vực liên quan và giữa các cấp quản lý cùng lĩnh vực của ngành đảm bảo tính thống nhất đồng bộ trong cả nước.

- Tham mưu cho ngành xây dựng cơ chế quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo lĩnh vực được giao.

- Tổ chức, chỉ đạo, xây dựng được nề nếp quản lý nghiệp vụ thống nhất của ngành.

- Tổ chức tổng hợp chỉ đạo và phân tích, tổng kết, đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung điều chỉnh cơ cấu, biện pháp quản lý nhằm tăng cường hiệu lực quản lý phù hợp với từng thời kỳ.

- Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước về quản lý, nghiệp vụ có liên quan đến chức năng quản lý kinh tế, tài chính nhằm cải tiến nội dung, đổi mới hệ thống cơ chế quản lý phù hợp với yêu cầu của phương thức quản lý, đường lối, chính sách và sự phát triển kinh tế xã hội trong nước và xu thế phát triển trên thế giới.

- Chủ trì tổ chức biên soạn các tài liệu giảng dạy, hướng dẫn nghiệp vụ cấp ngành, tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho chuyên viên và chuyên viên chính về tài chính.

- Tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác quản lý toàn ngành bằng các hình thức.

2. HIểu biết:

- Nắm chắc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nắm vững các phương hướng, chủ trương, chính sách chế độ tài chính của hệ thống quản lý nghiệp vụ tài chính và các lĩnh vực liên quan.

- Nắm vững các kiến thức cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực quản lý tài chính và hiểu biết rộng về một số lĩnh vực có liên quan.

- Nắm được những vấn đề cơ bản về tâm sinh lý lao động, khoa học quản lý; tổ chức lao động khoa học, thông tin quản lý tài chính.

- Có kiến thức rộng về quản lý kinh tế và có kiến thức sâu về lĩnh vực nghiệp vụ mình phụ trách. Có nhiều kinh nghiệm về tổ chức quản lý và xử lý nghiệp vụ, nắm chắc các mục tiêu và đối tượng quản lý.

- Biết tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn phương pháp kiểm tra và có khả năng tổ chức phối hợp để triển khai công việc có hiệu quả cao, có trình độ độc lập tổ chức thực thi công việc.

- Hiểu biết thực tiễn sản xuất, xã hội và đời sống liên quan và những tác động trong thực tiễn đến các hoạt động quản lý tài chính.

- Am hiểu tình hình và xu thế phát triển lĩnh vực nghiệp vụ tài chính trong nước và thế giới.

- Có năng lực nghiên cứu khoa học và tổ chức chỉ đạo ứng dụng tiến bộ khoa học để cải tiến hệ thống quản lý nghiệp vụ tài chính.

3. Yêu cầu trình độ:

- Đã có thời gian tối thiểu ở ngạch chuyên viên chính tài chính là 6 năm.

- Đã tốt nghiệp khoá đào tạo, bồi dưỡng về quản lý hành chính nhà nước ở trình độ cao cấp theo nội dung chương trình của Học viện Hành chính quốc gia.

- Đã tốt nghiệp chương trình lý luận chính trị cao cấp của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

- Biết một trong 5 ngoại ngữ; Anh, Nga, Hoa, Pháp, Đức trình độ C.

- Biết sử dụng máy vi tính để khai thác tài liệu, thông tin.

- Có đề án, công trình nghiên cứu lý luận về khoa học quản lý hoặc phát triển ngành được Hội đồng khoa học tỉnh hoặc Bộ thừa nhận đưa vào áp dụng có hiệu quả.

Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên viên cao cấp tài chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 97/2000/QĐ-BTC.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
183 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào