Giám sát của quản lý cấp cao ngân hàng thương mại đối với quản lý rủi ro
Giám sát của quản lý cấp cao ngân hàng thương mại đối với quản lý rủi ro được quy định tại Điều 11 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019), theo đó:
1. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của ngân hàng thương mại giám sát Tổng giám đốc (Giám đốc) trên cơ sở đề xuất, tham mưu của Ủy ban quản lý rủi ro trong việc:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách quản lý rủi ro;
b) Xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế về quản lý rủi ro theo các yêu cầu, kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác;
c) Các nội dung khác do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên quy định.
2. Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng thương mại giám sát các cá nhân, bộ phận trên cơ sở đề xuất, tham mưu của Hội đồng rủi ro trong việc:
a) Lập quy trình xây dựng và thực hiện chính sách quản lý rủi ro;
b) Thực hiện chính sách quản lý rủi ro và đánh giá chính sách quản lý rủi ro theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Thông tư này để đề xuất Hội đồng quản trị Hội đồng thành viên điều chỉnh;
c) Xây dựng và thực hiện hạn mức rủi ro, đề xuất phân bổ hạn mức rủi ro theo từng hoạt động kinh doanh, hoạt động nghiệp vụ; thực hiện các biện pháp xử lý khi không đáp ứng được các hạn mức rủi ro;
d) Tổ chức thực hiện chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên trong việc xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế về quản lý rủi ro theo yêu cầu kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác;
đ) Tự kiểm tra, đánh giá về quản lý rủi ro và đề xuất Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên các biện pháp xử lý, khắc phục;
e) Các nội dung khác do ngân hàng thương mại quy định.
3. Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng thương mại giám sát cá nhân, bộ phận trong việc quản lý tài sản/nợ phải trả trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Hội đồng ALCO, bao gồm:
a) Quản lý bảng cân đối tài sản hiệu quả, phù hợp với chính sách quản lý rủi ro;
b) Rà soát, đề xuất kế hoạch huy động vốn, kế hoạch sử dụng vốn, nguyên tắc xây dựng giá điều chuyển vốn nội bộ;
c) Xây dựng khung lãi suất, khung giá cho các sản phẩm khác để quản lý tài sản tài chính và nợ phải trả tài chính;
d) Kiểm soát hoạt động kinh doanh đảm bảo tuân thủ hạn mức rủi ro thanh khoản, hạn mức rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, tổng tài sản tính theo rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng;
đ) Các nội dung khác do ngân hàng thương mại quy định.
4. Tổng giám đốc (Giám đốc) của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giám sát các cá nhân, bộ phận theo quy định của ngân hàng mẹ trong việc:
a) Thực hiện quản lý rủi ro;
b) Xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế về quản lý rủi ro theo các yêu cầu, kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức kiểm toán độc lập và các cơ quan chức năng khác.
Trên đây là tư vấn về giám sát của quản lý cấp cao ngân hàng thương mại đối với quản lý rủi ro. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch nghỉ Tết nguyên đán 2025 dài hơn 02 ngày so với năm 2024?
- Nhà đầu tư nước ngoài được mở bao nhiêu tài khoản vốn đầu tư trực tiếp?
- PCI là tên viết tắt tiếng Anh của chỉ số nào? Chỉ số PCI phản ánh về nội dung gì?
- 'Người tham gia giao thông phải có ý thức .., nghiêm chỉnh chấp hành ... giao thông,...' nội dung đầy đủ là gì?
- Từ 01/01/2025, lệ phí cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe là bao nhiêu?