Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư tỉnh được quy định ra sao?
Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư tỉnh được quy định tại Điều 22 Quyết định 1573/QĐ-BTP năm 2015 phê duyệt Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, cụ thể như sau:
1. Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư là cơ quan tham mưu của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư trong công tác khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo; do Đại hội luật sư bầu ra theo nhiệm kỳ của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư.
Thành viên Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư;
b) Trung thực, khách quan, vô tư;
c) Có uy tín trong Đoàn Luật sư.
2. Hội đồng khen thưởng, kỷ luật gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật do Hội đồng bầu ra trong số các thành viên của Hội đồng. Số lượng thành viên của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật do Đại hội luật sư quyết định.
Thể thức bầu và quy trình đề cử, ứng cử, lập danh sách ứng cử viên và các vấn đề chi tiết khác liên quan đến bầu Hội đồng khen thưởng, kỷ luật được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Điều lệ này.
3. Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xem xét và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư quyết định các hình thức khen thưởng của Đoàn Luật sư đối với luật sư, các đơn vị của Đoàn Luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư; hoặc đề nghị Ban Chủ nhiệm trình Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng luật sư, các đơn vị của Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư;
b) Xác minh, xem xét và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư quyết định các hình thức kỷ luật đối với luật sư;
c) Thụ lý, xác minh, xem xét đơn, thư khiếu nại, tố cáo đối với luật sư, các cơ quan, đơn vị của Đoàn Luật sư và đề xuất với Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư về việc giải quyết các đơn, thư đó.
4. Cuộc họp của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên của Hội đồng tham dự.
Hội đồng khen thưởng, kỷ luật làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số; trường hợp số phiếu ngang nhau thì phiếu của Chủ tịch Hội đồng là quyết định.
5. Các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm và thủ tục miễn, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật được áp dụng theo quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều 21 của Điều lệ này.
Trên đây là nội dung câu trả lời về hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn Luật sư tỉnh. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 1573/QĐ-BTP năm 2015.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian này có tính để đánh giá xếp loại không?
- Từ 1/1/2025, tốc độ tối thiểu khi chạy xe trên đường cao tốc là 60 km/h?
- Trường hợp nào được áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất?
- Cử nhân luật có thể trở thành Cán bộ CSGT làm nhiệm vụ điều tra, xác minh giải quyết tai nạn giao thông không?
- Lương bao nhiêu phải đóng thuế thu nhập cá nhân năm 2025?