Quy định về khai thác trong hoạt động của đài vô tuyến điện nghiệp dư
Khai thác trong hoạt động của đài vô tuyến điện nghiệp dư được quy định tại Điều 21 Quyết định 18/2008/QĐ-BTTTT Quy định về hoạt động vô tuyến điện nghiệp dư do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành như sau:
1. Khi vận hành một đài vô tuyến điện nghiệp dư, KTVVTĐND phải luôn có Chứng chỉ KTVVTĐND và giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện nghiệp dư để sẵn sàng trình báo khi được yêu cầu kiểm tra.
2. Đài vô tuyến điện nghiệp dư không được phép hoạt động vì mục đích lợi nhuận.
3. Đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ được sử dụng công suất tối thiểu đủ để đảm bảo thông tin với đối tượng ở khoảng cách đang liên lạc. Phát xạ phụ của máy phát vô tuyến điện nghiệp dư phải giảm tới mức tối thiểu. Nếu một phát xạ phụ kể cả bức xạ từ vỏ máy và nguồn gây can nhiễu có hại đến các đài khác thì đài vô tuyến điện nghiệp dư đó phải ngừng hoạt động và phải có biện pháp khử hết nhiễu có hại trước khi đưa đài vào hoạt động trở lại.
4. Hệ thống anten của đài phải được lắp đặt theo đúng kỹ thuật, bảo đảm an toàn, chịu được gió bão, không ảnh hưởng đến mỹ quan của môi trường xung quanh. Địa điểm lắp đặt anten, chiều cao anten phải phù hợp với các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và các quy định khác của pháp luật về bảo đảm an toàn hàng không.
5. Trong mọi lúc, trên mọi tần số, khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư phải dành ưu tiên cho thông tin cấp cứu và an toàn và phải trợ giúp đắc lực cho thông tin nói trên.
6. Mọi liên lạc phải được ghi rõ ràng trong nhật biên (Phụ lục 6) và phải trình sổ nhật biên này cho nhân viên kiểm tra có thẩm quyền khi được yêu cầu. Sổ nhật biên phải được lưu tại đài 3 năm mới được hủy bỏ.
7. Đài vô tuyến điện nghiệp dư chỉ được cho mượn giữa những KTVVTĐND với nhau và phải tuân theo các quy định sau:
a) Khi sử dụng đài VTĐND mượn, khai thác viên mượn đài chỉ được thực hiện liên lạc hạn chế theo quy định trong chứng chỉ KTVVTĐND của mình và khai thác hạn chế theo quy định trong giấy phép cấp cho đài vô tuyến điện nghiệp dư cho mượn.
b) Khi mượn đài VTĐND để khai thác, KTVVTĐND phải dùng hô hiệu của đài cho mượn kèm theo sau là hô hiệu hoặc tên của KTVVTĐND mượn đài.
c) Người cho mượn đài VTĐND phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp lệ của nội dung thông tin theo quy định này, ghi nhật biên đầy đủ và đảm bảo người mượn đài không khai thác vượt quá các giới hạn quy định trong giấy phép cấp cho đài của mình.
d) Người mượn đài VTĐND để liên lạc tại những địa điểm khác với quy định trong giấy phép trong thời hạn dưới 30 ngày phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Cục tần số vô tuyến điện. Thủ tục như sau:
Nộp hồ sơ về Cục Tần số vô tuyến điện. Hồ sơ gồm:
- Giấy đăng ký mượn đài VTĐND (trong đó nêu rõ hô hiệu hoặc nhận dạng đăng ký, địa điểm đặt đài, địa chỉ liên hệ);
- Văn bản chấp thuận cho mượn đài VTĐND của tổ chức (cá nhân) cho mượn đài, trong đó ghi rõ: Tên của tổ chức, cá nhân cho mượn đài, số giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, thời hạn có hiệu lực của giấy phép; thời gian mượn đài;
- Bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) của người mượn đài;
- Bản sao Chứng chỉ KTVVTĐND hoặc Chứng chỉ KTVVTĐND nước ngoài.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Tần số vô tuyến điện ra Thông báo chấp thuận đăng ký mượn đài VTĐND (kèm theo hô hiệu, nhận dạng, địa điểm đặt đài). Trường hợp không chấp thuận đăng ký mượn đài VTĐND, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối.
8. Việc thay đổi địa chỉ thường trú của khai thác viên hoặc địa chỉ đặt đài VTÐND, việc chuyển nhượng thiết bị phát sóng VTĐND phải được thông báo trước với Cục Tần số vô tuyến điện để xét thay đổi giấy phép.
9. Trường hợp KTVVTĐND vẫn giữ địa chỉ thường trú cũ nhưng di chuyển đài VTĐND đến địa phương khác để khai thác trong thời hạn dưới 30 ngày thì không phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép nhưng phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Tần số vô tuyến điện.
a) Hồ sơ đăng ký di chuyển tạm thời gồm:
- Giấy đăng ký di chuyển tạm thời địa điểm đặt đài VTĐND, trong đó ghi rõ thời gian và điạ điểm phát sóng tại địa phương mới;
- Bản sao Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký di chuyển tạm thời địa điểm đặt đài VTĐND, Cục Tần số vô tuyến điện ra thông báo về việc chấp thuận, trong đó ghi rõ thời gian, địa điểm phát sóng tại địa phương mới kèm theo hô hiệu và nhận dạng. Trường hợp không chấp thuận việc di chuyển địa điểm đặt đài VTĐND, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do từ chối.
10. KTVVTĐND phải thông báo trước với Bộ Thông tin và Truyền thông nếu ngừng hoạt động đài từ 3 tháng trở lên.
11. Đài vô tuyến điện nghiệp dư có thể bị Cục Tần số vô tuyến điện đình chỉ phát sóng hoặc trưng dụng để phục vụ cho an ninh, quốc phòng trong trường hợp khẩn cấp.
Trên đây là nội dung quy định về khai thác trong hoạt động của đài vô tuyến điện nghiệp dư. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 18/2008/QĐ-BTTTT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?