Quy trình vô khuẩn dụng cụ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Quy trình vô khuẩn dụng cụ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được quy định như thế nào? Tôi đang theo học lớp y tá tại TPHCM. Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Quy trình vô khuẩn dụng cụ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định ở đâu? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập. Thúy Trinh (trinh***@gmail.com)

Quy trình vô khuẩn dụng cụ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016 như sau:

1. Quy trình vô khuẩn dụng cụ.

1.1. Khử nhiễm dụng cụ.

- Khử nhiễm là bước đầu tiên trong quy trình vô khuẩn.

- Thiết bị: 1 xô nhựa có quai xách với chiều cao trên 35 cm và một giỏ nhựa có quai hơi nhỏ hơn để lọt vào xô.

- Dung dịch hóa chất để khử nhiễm: dung dịch clorin 0,5% hoặc glutaraldehyd 2%. Dung dịch này sẽ thay sau mỗi buổi làm việc.

- Dụng cụ sau khi làm thủ thuật, phẫu thuật phải cho ngay vào xô, ngập hết trong dung dịch khử nhiễm, ngâm trong 10 phút. Sau đó đem ra rửa.

1.2. Làm sạch dụng cụ.

- Thiết bị: một chậu nhựa, vòi nước sạch, xà phòng, bàn chải.

- Trong khi rửa, người rửa dụng cụ cần đi găng cao su và đeo khẩu trang, đeo kính, đi ủng và mặc tạp dề để tránh lây nhiễm. Dùng bàn chải và xà phòng đánh sạch dụng cụ cho hết máu và tổ chức cơ thể bám lại trên dụng cụ.

- Cọ sạch các nơi dễ bám bẩn như răng, khe kẽ của dụng cụ. Sau đó rửa sạch xà phòng và lau khô bằng khăn sạch. Cọ rửa dưới vòi nước chảy hiệu quả hơn cọ rửa trong chậu nước.

- Yêu cầu: máu mủ và các mô bám vào dụng cụ như rau thai, mỡ, cơ... không còn dính lại trên dụng cụ.

1.3. Khử khuẩn mức độ cao.

Có hai cách:

- Khử khuẩn bằng luộc dụng cụ.

- Khử khuẩn bằng hóa chất.

1.3.1. Luộc dụng cụ.

- Thiết bị: hộp luộc dụng cụ bằng kim loại có nắp đậy kín, đủ lớn để chứa dụng cụ, dưới hộp có hệ thống bếp điện hoặc sử dụng một bếp riêng (điện, ga hoặc dầu).

- Yêu cầu: dụng cụ đã rửa sạch cho vào hộp luộc, đổ nước sạch vào hộp sao cho ngập các dụng cụ. Khi nước sôi, duy trì trong 20 phút, vớt dụng cụ dùng ngay không được để lâu.

1.3.2. Khử khuẩn mức độ cao bằng hóa chất.

Ngâm dụng cụ vào dung dịch khử khuẩn (glutaraldehyd 2% hoặc dung dịch clorin 0,5%) trong 20 phút sau đó tráng sạch bằng nước đun sôi để nguội.

1.4. Tiệt khuẩn.

1.4.1. Hấp ướt áp lực cao.

- Phương pháp này dùng cho tất cả các loại dụng cụ y tế trừ đồ nhựa (bơm và ống hút thai, catheter...). Đồ vải và đồ cao su phải hấp riêng, vì nhiệt độ, áp suất, thời gian hấp hai loại đó khác nhau.

- Thiết bị: nồi hấp ướt áp lực các loại.

- Yêu cầu: khi nhiệt độ lên tới 121oC (áp lực 1,2 kg/cm2) đối với dụng cụ đóng gói phải duy trì nhiệt độ như vậy trong 30 phút. Đối với dụng cụ không đóng gói chỉ cần duy trì 20 phút.

1.4.2. Sấy khô.

- Phương pháp này chỉ dùng cho các dụng cụ y tế bằng kim loại.

- Thiết bị là tủ sấy khô.

- Yêu cầu:

+ Nếu nhiệt độ 170oC phải duy trì 60 phút.

+ Nếu nhiệt độ 160oC phải duy trì 120 phút.

Ghi chú: Cách kiểm tra dụng cụ sấy, hấp đã đạt nhiệt độ cần thiết hay chưa bằng cách sau:

+ Trước khi hấp, sấy, dán một giấy báo hiệu an toàn (trắng) vào hộp hay gói đồ.

+ Sau khi đã hấp hoặc sấy xong nếu giấy báo hiệu đó đổi mầu (đen) là dụng cụ hấp sấy đạt yêu cầu về nhiệt độ.

+ Dụng cụ sau khi sấy, hấp phải dán nhãn ghi rõ ngày và tên người hấp sấy vào nắp hộp và gói đó.

1.4.3. Tiệt khuẩn bằng hóa chất.

- Ngâm trong dung dịch hóa chất (glutaraldehyd 2%, không được dùng dung dịch clorin 5%) trong 10 giờ các dụng cụ bằng nhựa như ống thông (sonde), ống hút thai... Dụng cụ vớt ra phải rửa bằng nước tiệt khuẩn, để trong hộp kim loại đã tiệt khuẩn, nắp có dán nhãn, ghi ngày và tên người đã tiệt khuẩn.

- Đối với những dụng cụ không cần tiệt khuẩn thì chỉ ngâm trong 20 phút để khử khuẩn mức độ cao.

2. Bảo quản dụng cụ đã vô khuẩn.

- Nơi bảo quản dụng cụ đã vô khuẩn phải sạch sẽ, khô ráo, có cửa đóng kín.

- Có giá, kệ và tủ đựng dụng cụ, có sổ sách ghi chép tên dụng cụ, ngày xử lý vô khuẩn, ngày nhập, xuất dụng cụ (chú ý nguyên tắc nhập trước xuất trước).

- Không để lẫn dụng cụ đã tiệt khuẩn với dụng cụ chưa tiệt khuẩn.

- Thời gian bảo quản:

+ Không bảo quản những dụng cụ tiệt khuẩn mà không đóng gói (loại này cần phải dùng ngay sau khi tiệt khuẩn).

+ Dụng cụ đã khử khuẩn cao chỉ được sử dụng trong vòng 3 ngày. Riêng dụng cụ luộc chỉ dùng trong vòng 24 giờ.

+ Những dụng cụ tiệt khuẩn được đóng gói hoặc đặt trong hộp tiệt khuẩn, được bảo quản một tuần, sau một tuần nếu chưa dùng cần phải hấp sấy lại.

+ Những hộp dụng cụ đã mở ra dùng, nếu dụng cụ bên trong chưa dùng hết thì sau 24 giờ phải đưa đi sấy hấp lại.

+ Khi vận chuyển dụng cụ đã tiệt khuẩn từ nơi bảo quản đến phòng thủ thuật, phẫu thuật, phải che đậy để tránh nhiễm bẩn.

Trên đây là nội dung quy định về quy trình vô khuẩn dụng cụ trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
300 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào