Việc xét xử vụ án có người bị hại là người chưa thành niên được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, xét xử vụ án có người bị hại là người chưa thành niên được quy định như sau:
1. Khi tiến hành xét xử vụ án có người bị hại là người chưa thành niên, để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ, Tòa án cần tạo điều kiện để thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm nhân dân hoặc đã là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn Thanh niên như trong trường hợp xét xử vụ án có bị cáo là người chưa thành niên.
2. Khi tiến hành xét xử, Tòa án có thể sắp xếp lại đồ vật và vị trí của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng trong phòng xử án nhằm làm giảm cảm giác căng thẳng, sợ hãi đối với người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên.
Việc giải thích về quyền và nghĩa vụ, thủ tục xét xử cũng như các câu hỏi đưa ra tại phiên tòa cần đơn giản, rõ ràng để giúp cho người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên và đại diện gia đình của họ có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi.
Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu cha, mẹ, người đỡ đầu hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi người làm chứng là người chưa thành niên.
3. Để bảo vệ quyền riêng tư và danh dự, nhân phẩm của người bị hại là người chưa thành niên và làm giảm cảm giác sợ hãi của họ, trước khi tiến hành xét xử, Tòa án cần xem xét, cân nhắc các tình tiết liên quan đến vụ án để quyết định có xét xử kín hay không, đặc biệt là những vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em.
4. Đối với vụ án có người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên, đặc biệt là trong vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em, Tòa án cần căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án để quyết định việc xét xử vụ án khi người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên vắng mặt, hạn chế việc hoãn phiên tòa.
5. Khi cần yêu cầu người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên trình bày lời khai của mình tại phiên tòa trong điều kiện cho phép, Hội đồng xét xử có thể cho phép họ đứng sau màn chắn, bình phong để không nhìn thấy bị cáo hoặc làm chứng trực tiếp tại một phòng khác thông qua kết nối hệ thống camera.
6. Để người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên có thể hiểu biết rõ hơn về Tòa án, khi họ hoặc người đại diện hợp pháp, người bào chữa hoặc cha mẹ của họ có yêu cầu, Tòa án có thể cho họ đến phòng xử án trước khi mở phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến họ.
Trên đây là nội dung tư vấn về xét xử vụ án có người bị hại là người chưa thành niên. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?