Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ của đơn vị thuộc Bộ
Quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ của đơn vị thuộc Bộ được quy định tại Điều 11 Quyết định 328/QĐ-BTP năm 2018 về Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái công chức, viên chức của Bộ Tư pháp, cụ thể như sau:
1. Xác định nhu cầu, chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm
Căn cứ nhu cầu công tác, cơ cấu, số lượng lãnh đạo cấp vụ, sau khi trao đổi, thống nhất trong lãnh đạo đơn vị về nhu cầu bổ nhiệm, thủ trưởng đơn vị, hoặc người được giao quyền, giao phụ trách (sau đây gọi chung là thủ trưởng đơn vị) trao đổi với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, xin ý kiến Thứ trưởng phụ trách và Bộ trưởng trước khi tổ chức họp liên tịch giữa lãnh đạo đơn vị, cấp ủy Đảng, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội để thảo luận thống nhất dự kiến phân công đối với chức vụ sẽ bổ nhiệm, rà soát, đánh giá nhân sự trong quy hoạch cấp vụ của đơn vị, trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp (qua Vụ Tổ chức cán bộ) xem xét phê duyệt chủ trương, số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm.
Trường hợp thấy cần thiết hoặc đơn vị không chủ động đề xuất, Vụ Tổ chức cán bộ rà soát, báo cáo Thứ trưởng phụ trách, Bộ trưởng trước khi trình Ban cán sự Đảng phê duyệt chủ trương số lượng, dự kiến phân công công tác, nguồn bổ nhiệm.
2. Quy trình bổ nhiệm sau khi Ban cán sự Đảng phê duyệt chủ trương
2.1. Đối với nguồn nhân sự tại chỗ:
a) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 1)
Nội dung hội nghị: Căn cứ chủ trương bổ nhiệm đã được phê duyệt, trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước và của Bộ Tư pháp, Thủ trưởng đơn vị giao bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của đơn vị
- Thành phần: Lãnh đạo đơn vị.
b) Bước 2: Tổ chức hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng
- Thành phần: Tập thể lãnh đạo, cấp ủy Đảng, trưởng phòng và tương đương, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị. Đối với đơn vị không có phòng, thành phần là toàn thể công chức, người lao động của đơn vị. Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cùng tham dự hội nghị.
- Nội dung hội nghị:
+ Thảo luận thống nhất về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và các công việc liên quan;
+ Trên cơ sở cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình giới thiệu nhân sự đã thống nhất, tiến hành lấy phiếu phát hiện, giới thiệu nguồn nhân sự bằng phiếu kín; mỗi người dự họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự trong quy hoạch hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
- Nguyên tắc lựa chọn: Người có số phiếu cao nhất trên 50% thì được lựa chọn. Trường hợp có nhiều hơn 01 vị trí bổ nhiệm thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm.
Trường hợp không có người đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 02 người có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống để giới thiệu cho mỗi chức danh ở các bước tiếp theo (trường hợp có 02 vị trí bổ nhiệm thì chọn nhiều hơn số dự kiến bổ nhiệm ít nhất 01 người). Kết quả kiểm phiếu không công bố ở hội nghị này.
c) Bước 3: Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 2)
- Nội dung hội nghị: Xem xét kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự của hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng; đồng thời căn cứ vào cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ, thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín; mỗi người dự họp chỉ giới thiệu 01 người cho 01 chức danh trong số nhân sự được giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
- Thành phần: Tập thể lãnh đạo đơn vị. Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cùng tham dự Hội nghị.
- Nguyên tắc lựa chọn: Như hội nghị lãnh đạo đơn vị mở rộng. Kết quả kiểm phiếu được công bố ở hội nghị này.
Trường hợp kết quả giới thiệu của hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với Ban cán sự Đảng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành bước tiếp theo.
d) Bước 4: Lấy ý kiến toàn thể công chức, viên chức và người lao động hoặc lấy ý kiến cán bộ chủ chốt
- Đối với đơn vị có dưới 100 công chức, viên chức và người lao động thì thủ trưởng đơn vị tổ chức hội nghị toàn thể công chức, viên chức:
+ Nội dung hội nghị: Trao đổi, thảo luận về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ; thông báo danh sách cán bộ, công chức, viên chức được tập thể lãnh đạo đơn vị giới thiệu (tại bước 3); tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; cán bộ, công chức, viên chức được giới thiệu bổ nhiệm trình bày chương trình hành động nếu được bổ nhiệm (nếu có) và trả lời những vấn đề có liên quan trước khi bỏ phiếu; lấy ý kiến bằng phiếu kín của công chức, viên chức đơn vị về nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm. Kết quả kiểm phiếu không công bố ở hội nghị này.
+ Thành phần gồm: Toàn thể công chức, viên chức và người lao động của đơn vị. Đối với cục có đơn vị sự nghiệp trực thuộc thì thành phần tham gia gồm công chức và người lao động của các phòng và tổ chức tương đương thuộc cục; cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cục. Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cùng tham dự hội nghị.
- Đối với đơn vị có từ 100 công chức, viên chức và người lao động trở lên, thì thủ trưởng đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của đơn vị:
+ Thành phần gồm: Tập thể lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo các phòng và tương đương, ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy Đảng của đơn vị (nơi không có ban thường vụ), đại diện các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị. Ngoài ra, tùy vào đặc điểm, tính chất công việc của đơn vị, tập thể lãnh đạo đơn vị có thể báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị xem xét, quyết định cho mở rộng thành phần tham gia lấy ý kiến như: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, chuyên viên cao cấp và tương đương hiện công tác tại đơn vị. Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cùng tham dự hội nghị.
+ Nội dung hội nghị: Tương tự như nội dung hội nghị toàn thể công chức, viên chức của đơn vị có dưới 100 công chức, viên chức và người lao động.
đ) Bước 5: Đơn vị có văn bản gửi:
- Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy Đảng của đơn vị (nơi không có ban thường vụ) cho ý kiến bằng văn bản đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm.
- Cấp ủy Đảng có thẩm quyền kiểm tra, xác minh, kết luận về tiêu chuẩn chính trị (lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm.
e) Bước 6: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị (lần 3):
- Nội dung hội nghị: Thảo luận, phân tích kết quả phiếu tại các hội nghị và ý kiến của cấp ủy Đảng; xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có); thảo luận và biểu quyết bằng phiếu kín.
- Thành phần: Tập thể Lãnh đạo đơn vị. Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cùng tham dự Hội nghị.
- Nguyên tắc lựa chọn: Nhân sự đạt số phiếu cao nhất trên 50% thì được lựa chọn đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp có nhiều hơn 01 vị trí bổ nhiệm thì chọn người có trên 50% số phiếu giới thiệu từ trên xuống cho đến hết số lượng cần bổ nhiệm. Trường hợp có 02 nhân sự có số phiếu ngang nhau (50%) thì thủ trưởng đơn vị xem xét, đề xuất 01 nhân sự để đề nghị bổ nhiệm; đồng thời báo cáo đầy đủ ý kiến khác nhau (nếu có) để Ban cán sự Đảng xem xét, quyết định.
Đơn vị tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ bổ nhiệm để báo cáo Ban cán sự Đảng (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gồm:
(1) Tờ trình đề nghị bổ nhiệm;
(2) Các biên bản họp và biên bản kiểm phiếu (kèm Phiếu) trong quá trình thực hiện quy trình;
(3) Sơ yếu lý lịch công chức, viên chức (có dán ảnh);
(4) Bản kê khai tài sản, thu nhập;
(5) Giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến thời điểm gửi hồ sơ về Vụ Tổ chức cán bộ;
(6) Bản tự nhận xét, đánh giá của công chức, viên chức được đề nghị bổ nhiệm;
(7) Nhận xét, đánh giá của thủ trưởng đơn vị;
(8) Ý kiến của cấp ủy đơn vị về nhân sự đề nghị bổ nhiệm;
(9) Văn bản kết luận về tiêu chuẩn chính trị đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền;
(10) Nhận xét của đại diện cấp ủy nơi công chức cư trú thường xuyên về trách nhiệm công dân của cán bộ và gia đình cán bộ (đối với bổ nhiệm vụ trưởng và tương đương);
(11) Bản sao (có chứng thực) các văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ đề nghị bổ nhiệm và các văn bằng, chứng chỉ khác (nếu có). Trường hợp văn bằng do nước ngoài cấp phải có văn bản công nhận của Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
g) Bước 7: Quyết định bổ nhiệm
Căn cứ đề nghị của đơn vị, Vụ Tổ chức cán bộ triển khai các công việc:
- Báo cáo Ban cán sự Đảng cho ý kiến về quy trình nhân sự đã thực hiện, nhận xét, đánh giá và đề xuất bổ nhiệm; đề nghị Ban cán sự Đảng lấy ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp về nhân sự dự kiến bổ nhiệm.
- Căn cứ ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp, báo cáo Ban cán sự Đảng thảo luận, kết luận các vấn đề phát sinh (nếu có), ra Nghị quyết phê duyệt nhân sự bổ nhiệm.
- Căn cứ Nghị quyết của Ban cán sự Đảng phê duyệt nhân sự bổ nhiệm, trình Bộ trưởng ký quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo cấp Vụ.
2.2. Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác (nguồn nhân sự ngoài đơn vị có vị trí bổ nhiệm)
a) Bước 1: Trao đổi ý kiến với nhân sự, cơ quan, tổ chức nơi nhân sự công tác về việc bổ nhiệm
- Đối với nhân sự do cơ quan, đơn vị đề xuất thì tập thể lãnh đạo thống nhất về chủ trương và chỉ đạo tiến hành một số công việc sau:
+ Đại diện lãnh đạo đơn vị gặp người dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi công chức, viên chức đang công tác để trao đổi ý kiến về việc bổ nhiệm và đề nghị có ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản; xác minh lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức.
+ Căn cứ kết quả làm việc, có văn bản đề nghị cấp ủy của đơn vị cho ý kiến bằng văn bản.
+ Tập thể lãnh đạo đơn vị thảo luận, nhận xét, đánh giá và bỏ phiếu về nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Nhân sự đạt số phiếu trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp đạt số phiếu tín nhiệm là 50% thì thủ trưởng đơn vị xem xét việc giới thiệu bổ nhiệm; đồng thời báo cáo đầy đủ ý kiến khác nhau (nếu có) để Ban cán sự Đảng xem xét, quyết định.
Trường hợp bổ nhiệm cấp trưởng hoặc nhân sự công tác ngoài Bộ thì tùy từng trường hợp cụ thể, Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng phân công Lãnh đạo Bộ hoặc giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì thực hiện các nội dung trên.
- Đối với nhân sự do Ban cán sự Đảng dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm (không do đơn vị đề xuất):
+ Tùy từng trường hợp cụ thể, Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng phân công Lãnh đạo Bộ hoặc giao Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ gặp người dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; trao đổi với tập thể lãnh đạo đơn vị có vị trí bổ nhiệm về dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo nơi công chức, viên chức đang công tác về chủ trương tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm và lấy nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) của tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi công chức, viên chức đang công tác; xác minh lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức.
b) Bước 2: Quyết định bổ nhiệm (bao gồm cả thủ tục tuyển dụng, điều động hoặc tiếp nhận)
- Đối với nhân sự do đơn vị đề xuất: Đơn vị tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị bổ nhiệm để báo cáo Ban cán sự Đảng (qua Vụ Tổ chức cán bộ). Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm gồm:
+ Các giấy tờ số (1), (2), (3), (4), (5), (8) (9), (10), (11) quy định tại điểm e Khoản 2.1 Điều 11 Quy chế này.
+ Báo cáo kết quả xác minh lý lịch;
+ Ý kiến của đơn vị và cấp ủy đơn vị nơi công chức, viên chức đang công tác (nhận xét, đánh giá về công chức, viên chức và việc bổ nhiệm).
- Đối với nhân sự do Ban cán sự Đảng dự kiến tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm thì Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ bổ nhiệm báo cáo Ban cán sự Đảng gồm đầy đủ các văn bản, tài liệu liên quan đến quy trình đã thực hiện và nhân sự đề nghị bổ nhiệm.
- Căn cứ đề nghị của đơn vị hoặc kết quả đã thực hiện, Vụ Tổ chức cán bộ triển khai các công việc như đã nêu tại điểm g Khoản 2.1 Điều này và quy trình tuyển dụng, điều động hoặc tiếp nhận theo quy địn
Trên đây là nội dung câu trả lời về quy trình bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ của đơn vị thuộc Bộ. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 328/QĐ-BTP năm 2018.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?