Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP được quy định như thế nào?
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP được quy định tại Điều 8 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/06/2018, nội dung này được quy định như sau:
1. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định trong hợp đồng đối với dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc dự án được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Trường hợp sử dụng tài sản công theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội để tham gia dự án PPP, các cơ quan, tổ chức, đơn vị này báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao một cơ quan nhà nước làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết, thực hiện hợp đồng của dự án.
3. Bộ, ngành giao cho tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ngành mình; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn, cơ quan trực thuộc hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị dự án bao gồm tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định này và pháp luật về đấu thầu.
4. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và Điều kiện quản lý cụ thể của từng bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, việc ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án được thực hiện như sau:
a) Bộ, ngành có thể ủy quyền cho tổ chức thuộc bộ, ngành mình; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện ký kết và thực hiện hợp đồng dự án nhóm B và nhóm C;
b) Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc bộ, ngành, địa phương mình ký kết và thực hiện hợp đồng dự án nhóm B và nhóm C, trừ trường hợp áp dụng hợp đồng dịch vụ theo pháp luật chuyên ngành.
5. Việc ủy quyền theo quy định tại Khoản 4 Điều này phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó xác định cụ thể phạm vi, nội dung ủy quyền, trách nhiệm của cơ quan được ủy quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án.
6. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan được ủy quyền (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) theo quy định tại Khoản 4 Điều này thành lập đơn vị quản lý dự án hoặc giao ban quản lý dự án đã được thành lập, có đủ năng lực, chuyên môn thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình theo hợp đồng dự án, nhưng trong mọi trường hợp phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ theo hợp đồng dự án đã ký kết.
7. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập để hỗ trợ thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quy định tại Khoản 3 và 6 Điều này.
Trên đây là nội dung tư vấn về Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn tham khảo tại tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?