Nhiệm vụ của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường
Nhiệm vụ của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường được quy định tại Điều 10 Quyết định 170/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
1. Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn để thống nhất nội dung, kế hoạch, trình tự khám nghiệm hiện trường, bảo đảm khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
Kiểm sát việc lấy lời khai những người biết sự việc ngay tại hiện trường, nếu thấy người làm chứng, người bị hại hoặc đối tượng có thể chết hoặc mất khả năng khai báo, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra lấy ngay lời khai và ghi âm lời khai của họ.
2. Kiểm sát viên phải chủ động nắm tình hình về hiện trường qua thông báo của Điều tra viên, cán bộ Điều tra, thông tin do người dân xung quanh khu vực hiện trường cung cấp; hoặc tự mình quan sát và phân tích các yếu tố để đánh giá tình trạng hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị thay đổi, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ấy do các yếu tố con người, thời tiết, động vật qua lại hoặc các yếu tố khách quan khác; xác định phạm vi cần khám nghiệm và những loại dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử cần được xem xét, thu giữ để yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra thực hiện.
3. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động khám nghiệm. Yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn thực hiện đúng trình tự, thủ tục khám nghiệm; vẽ sơ đồ, chụp ảnh, đo đạc và mô tả thực trạng hiện trường theo quy định của pháp luật. Yêu cầu biên bản khám nghiệm hiện trường phải được lập, sơ đồ hiện trường phải được vẽ ngay tại nơi khám nghiệm.
Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ, chính xác, rõ ràng, cụ thể các tình tiết, đặc điểm, vị trí của dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu quan trọng tại hiện trường để có cơ sở xem xét đối chiếu, kiểm tra với biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, xem xét tại chỗ dấu vết, đồ vật, tài liệu có liên quan đến tội phạm, lấy lời khai và ghi âm lời khai của người bị hại, người làm chứng và những người biết việc. Các tài liệu này được lưu hồ sơ kiểm sát.
4. Kiểm sát viên đề ra yêu cầu khám nghiệm trên cơ sở nghiên cứu cơ chế, quy luật hình thành dấu vết để có thể phát hiện, xác định được loại dấu vết; dấu vết hình thành đúng hay trái với quy luật thông thường, sự mâu thuẫn giữa các dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử để kịp thời yêu cầu thu thập đầy đủ; tránh trường hợp làm mất, hư hỏng các dấu vết hoặc làm thay đổi tình trạng hiện trường. Xác định có hay không việc tạo hiện trường giả sau khi gây án.
5. Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn phân tích, đánh giá các dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử đã thu giữ được tại hiện trường để đặt ra các giả thuyết Điều tra, định hướng cho việc khám nghiệm, thu giữ dấu vết được đầy đủ, chính xác, phục vụ công tác truy tìm vật chứng, truy bắt người thực hiện hành vi phạm tội.
Nếu thấy việc khám nghiệm hiện trường chưa đầy đủ, vi phạm quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn bổ sung, khắc phục; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì yêu cầu ghi ý kiến của Kiểm sát viên vào biên bản khám nghiệm và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện.
6. Những dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử đã thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong theo quy định của pháp luật, bảo đảm phục vụ cho việc giám định và sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án.
7. Kiểm sát viên phối hợp cùng Điều tra viên, cán bộ Điều tra phân tích, đánh giá đúng kết quả khám nghiệm hiện trường; xem xét quyết định kết thúc khám nghiệm hoặc tiếp tục bảo vệ hiện trường để có thể khám nghiệm bổ sung, khám nghiệm lại; xác định rõ những dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử cần được trưng cầu giám định, nội dung cần trưng cầu để phục vụ cho công tác Điều tra, giải quyết vụ án.
8. Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra quán triệt những người tham gia khám nghiệm hiện trường giữ bí mật về kết quả khám nghiệm, tuyệt đối không được tiết lộ, gây khó khăn cho công tác Điều tra, giải quyết vụ án.
Trên đây là nội dung trả lời về Nhiệm vụ của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Quyết định 170/QĐ-VKSTC năm 2018.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?