Hoạt động sắc thuốc và cấp phát dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở khám, chữa bệnh

Hoạt động sắc thuốc và cấp phát dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở khám, chữa bệnh được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Tây Ninh trong lĩnh vực y tế. Trong quá trình công tác, tôi gặp một số vướng mắc mong được giải đáp. Cho tôi hỏi, hiện nay, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền sử dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh được tiến hành sắc và cấp phát ra sao? Em có thể tham khảo thêm vấn đề này ở đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  Đặng Thùy Vân (van***@gmail.com)

Ngày 14/02/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 05/2014/TT-BYT quy định việc sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó:

- Dược liệu là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc tự nhiên từ động vật, thực vật hoặc khoáng vật.

- Vị thuốc y học cổ truyền (hay còn gọi là vị thuốc đông y) là dược liệu được chế biến, bào chế theo lý luận của y học cổ truyền được sử dụng để phòng bệnh và chữa bệnh.

Hoạt động sắc thuốc và cấp phát dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở khám, chữa bệnh là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 7 Thông tư 05/2014/TT-BYT. Cụ thể như sau:

1. Tùy theo điều kiện của từng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Khoa Dược hoặc Khoa Y dược cổ truyền hoặc bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm sắc thuốc, cấp phát thuốc để sử dụng cho người bệnh.

2. Chống nhầm lẫn khi tiến hành sắc thuốc: đánh số vào thang thuốc, phiếu, ấm sắc thuốc, bình đựng thuốc trước và sau khi sắc thuốc; phải có tủ giá sắp xếp phân biệt thuốc chưa sắc, thuốc đang sắc dở, thuốc đã sắc xong.

3. Tổ chức phát thuốc hằng ngày và thuốc bổ sung theo y lệnh. Phát thuốc kịp thời để bảo đảm người bệnh được dùng thuốc.

4. Người chịu trách nhiệm về thuốc sắc phải có trình độ chuyên môn về y dược cổ truyền từ trung cấp trở lên, được cập nhật liên tục kiến thức về dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

5. Có sổ xuất nhập hằng ngày để ghi chép số thang thuốc đã nhận, đã giao và số còn lại trong ngày theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Nơi sắc thuốc phải bảo đảm sạch sẽ, ngăn nắp.

7. Cách sắc thuốc thực hiện theo quy định tại Quyết định 26/2008/QĐ-BYT ngày 22 tháng 7 năm 2008 về việc ban hành quy trình kỹ thuật y học cổ truyền.

8. Thuốc sắc xong phải lọc để bỏ bã và cặn thô.

9. Đối với những bài thuốc có chứa dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền có độc tính: sau khi đã sắc xong, bã thuốc phải lưu riêng từng bệnh nhân ít nhất 24 giờ kể từ khi cấp phát thuốc cho bệnh nhân để hồi cứu khi cần thiết.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về hoạt động sắc thuốc và cấp phát dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo quy định cụ thể tại Thông tư 05/2014/TT-BYT.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
233 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào