Thủ tục chấp thuận cho tàu vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo tuyến cố định qua biên giới
Thủ tục chấp thuận cho tàu vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo tuyến cố định qua biên giới được quy định tại Điều 7 Thông tư 66/2014/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu khách cao tốc giữa các cảng, bến, vùng nước thuộc nội thủy Việt Nam và qua biên giới do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:
1. Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo tuyến cố định qua biên giới hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (trong trường hợp tàu xuất phát từ cảng, bến thuộc khu vực trách nhiệm do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý) hoặc Cục Hàng hải Việt Nam (trong trường hợp tàu xuất phát từ cảng, bến thuộc khu vực trách nhiệm do Cục Hàng hải Việt Nam quản lý). Hồ sơ bao gồm:
a) Bản đăng ký hoạt động vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu theo tuyến cố định qua biên giới theo mẫu quy định tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Văn bản hoặc hợp đồng với tổ chức, cá nhân khai thác cảng, bến đồng ý cho tàu vào đón, trả hành khách;
c) Bản sao chứng thực (hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu) các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký của tàu; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu;
d) Bản đăng ký chất lượng dịch vụ theo mẫu quy định tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Bản quy trình khai thác tàu của tổ chức, cá nhân, trong đó có các nội dung chủ yếu sau: Số lượng tàu khai thác, thời gian khai thác, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa, lên đà, số lượng thuyền viên vận hành, quy trình xử lý tình huống trong trường hợp tàu gặp sự cố khi đang khai thác;
e) Thỏa thuận của chính quyền quốc gia nơi tàu hoạt động đồng ý tiếp nhận.
2. Cục Đường thủy nội Việt Nam hoặc Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:
a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;
b) Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản gửi tổ chức, cá nhân yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ;
c) Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đường thủy nội Việt Nam hoặc Cục Hàng hải Việt Nam gửi văn bản lấy ý kiến của các Sở Giao thông vận tải liên quan trong trường hợp tàu hành trình trên tuyến đường thủy nội địa địa phương liên quan. Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản lấy ý kiến, Sở Giao thông vận tải liên quan có văn bản trả lời;
d) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn lấy ý kiến các cơ quan liên quan, Cục Đường thủy nội Việt Nam hoặc Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo tuyến cố định bằng tàu qua biên giới. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Trên đây là nội dung quy định về thủ tục chấp thuận cho tàu vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo tuyến cố định qua biên giới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 66/2014/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bài dự thi Gửi tương lai xanh 2050 dành cho học sinh THCS?
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?