Nhiệm vụ và quyền hạn của bác sĩ sản phụ gồm những gì?

Nhiệm vụ và quyền hạn của bác sĩ sản phụ gồm những gì? Xin chào Ban biên tập, tôi là Thiên Trang hiện đang sống và làm việc tại Tiền Giang. Tôi hiện đang công tác tại trạm y tế xã. Tôi muốn tìm hiểu về nhiệm vụ và quyền hạn của bác sĩ. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi nhiệm vụ và quyền hạn của bác sĩ sản phụ gồm những gì? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào? Mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe Ban biên tập. 

Nhiệm vụ và quyền hạn của bác sĩ sản phụ được quy định tại Mục 54 Phần II Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định 1895/1997/QĐ-BYT, cụ thể: 

I. NHIỆM VỤ:

1. Nghiêm chỉnh thực hiện quy chế bệnh viện đặc biệt phải chú ý thực hiện quy chế: chẩn đoán bệnh, làm hồ sơ bệnh án và kê đơn điều trị, quy chế vào viện, chuyển khoa, chuyển viện, ra viện, quy chế quản lý buồng bệnh, buồng thủ thuật và quy chế sử dụng thuốc.

2. Đối với những người bệnh mới vào hoặc từ khoa khác chuyển đến phải khám ngay, cho y lệnh về thuốc, chế độ chăm sóc, ăn uống. Trong 24 giờ phải hoàn thành bệnh án, các xét nghiệm cần thiết. Người bệnh cấp cứu phải được làm bệnh án ban đầu ngay sau khi vào viện.

3. Khi bác sĩ trưởng khoa thăm khám người bệnh, bác sĩ điều trị có trách nhiệm báo cáo đầy đủ diễn biến của người bệnh trong quá trình điều trị để xin ý kiến hướng dẫn của trưởng khoa.

4. Hàng ngày buổi sáng phải khám từng người bệnh cho y lệnh về thuốc, chế độ chăm sóc, ăn uống. Buổi chiều đi thăm lại người bệnh một lần nữa và cho y lệnh bổ sung khi cần thiết. Đối với người bệnh nặng phải được theo dõi sát, xử lý kịp thời khi có diễn biến bất thường.

5. Thực hiện chế độ hội chẩn theo đúng quy định đối với những trường hợp sau:

a. Người bệnh nặng, nguy kịch.

b. Người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị nhưng bệnh thuyên chuyển chậm hoặc không có kết quả.

6. Thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật do trưởng khoa phân công. Trước khi thực hiện phải thăm khám lại, ra y lệnh chuẩn bị chu đáo để đảm bảo điều kiện an toàn nhất cho người bệnh.

7. Hàng ngày phải kiểm tra.

a. Các chỉ định về thuốc, chế độ chăm sóc, ăn uống, nghỉ ngơi của người bệnh.

b. Các chỉ định không còn phù hợp với tình trạng bệnh phải được đình chỉ ngay.

c. Kiểm tra vệ sinh cá nhân người bệnh đồng thời hướng dẫn người bệnh tự chăm sóc và giữ gìn sức khỏe.

8. Hàng ngày cuối giờ làm việc phải ghi vào sổ bàn giao cho bác sĩ thường trực những người bệnh nặng, những yêu cầu theo dõi và những y lệnh còn lại trong ngày của từng người bệnh.

9. Tham gia thường trực theo lịch phân công của trưởng khoa.

10. Tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến y tế cơ sở theo sự phân công của giám đốc và trưởng khoa.

11. Tham gia hội chẩn, kiểm thảo tử vong khi được yêu cầu. Tổng kết bệnh án cho người bệnh chuyển khoa, ra viện, chuyển viện theo quy chế vào viện, chuyển khoa, chuyển viện, ra viện.

12. Hướng dẫn học viên thực tập theo sự phân công của trưởng khoa.

13. Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, tham dự hội nghị khoa học theo sự phân công của trưởng khoa và giám đốc bệnh viện.

14. Thường xuyên động viên người bệnh tin tưởng, an tâm điều trị, bản thân phải thực hiện tốt quy định y đức.

15. Nghiêm chỉnh thực hiện quy chế bệnh viện, đặc biệt phải chú ý thực hiện quy chế công tác khoa phụ sản, quy chế công tác khoa ngoại, quy chế công tác khoa phẫu thuật – gây mê hồi sức và quy chế công tác khoa chống nhiễm khuẩn.

16. Chịu trách nhiệm trước trưởng khoa phụ sản hoặc khoa ngoại về các công việc được phân công.

17. Đối với sản phụ đến khám thai hỏi tỉ mỉ về quá trình thai nghén, thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán rõ tuổi thai, tình trạng thai nghén, hướng dẫn sản phụ giữ gìn vệ sinh thai nghén.

18. Đối với người bệnh đến khám phụ khoa phải hỏi tỉ mỉ về bệnh sử, thăm khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết, chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị.

19. Thực hiện đỡ đẻ khó sau khi đã thăm khám và xác định tình trạng thai và tiên lượng cuộc đẻ.

20. Trong trường hợp sản bệnh hoặc có nguy cơ tai biến sản khoa phải báo cáo trưởng khoa để hội chẩn và xử lý kịp thời.

21. Thực hiện các thủ thuật và phẫu thuật về sản, phụ theo sự phân công của trưởng khoa.

22. Tham gia công tác tuyên truyền giáo dục, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, phòng chống các bệnh phụ khoa và công tác dân số kế hoạch hóa gia đình.

II. QUYỀN HẠN:

1. Khám bệnh, chẩn đoán, kê đơn thuốc, ra y lệnh điều trị, chăm sóc người bệnh theo quy chế bệnh viện.

2. Ký đơn thuốc, phiếu lĩnh thuốc.

3. Ký giấy chứng sinh.

Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ và quyền hạn của bác sĩ sản phụ. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Quyết định 1895/1997/QĐ-BYT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn. 

Chào thân ái và chúc sức khỏe! 

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
551 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào