Quyền, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng đối với VIETTEL
Quyền, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng đối với VIETTEL được quy định tại Điều 26 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội ban hành kèm theo Nghị định 05/2018/NĐ-CP, cụ thể:
Bộ Quốc phòng là cấp trên trực tiếp của Chủ tịch VIETTEL, có các quyền và trách nhiệm sau đây:
1. Trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ và cơ chế quản lý tiền lương của VIETTEL.
2. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ:
a) Quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý và tên gọi của VIETTEL; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản đối với VIETTEL.
b) Phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của VIETTEL.
c) Quyết định vốn điều lệ và đầu tư bổ sung vốn điều lệ của VIETTEL theo quy định của pháp luật.
d) Phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu Tập đoàn VIETTEL và VIETTEL.
đ) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với chức danh Chủ tịch VIETTEL.
3. Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập, chủ trương tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản công ty con do VIETTEL nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổ chức công ty con do VIETTEL nắm giữ 100% vốn điều lệ thành Tổng công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con ở trong nước và nước ngoài.
4. Phê duyệt chủ trương thành lập, giải thể, chấm dứt hoạt động các đơn vị phụ thuộc VIETTEL; chấp thuận việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính của VIETTEL.
5. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, chấp thuận từ chức, thôi giữ chức; điều động, luân chuyển; phong, thăng quân hàm; xếp lương, nâng lương, phụ cấp lương; khen thưởng, kỷ luật; nghỉ hưu đối với Tổng Giám đốc VIETTEL và các chức danh cán bộ quản lý khác theo Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, các quy định khác của Bộ Quốc phòng, quy định của pháp luật và Điều lệ này. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm Tổng Giám đốc VIETTEL sau khi có ý kiến thống nhất của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
6. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, thôi giữ chức; điều động, luân chuyển; phong, thăng quân hàm; xếp lương, nâng lương, phụ cấp lương; giáng, tước quân hàm; cách chức, khen thưởng, kỷ luật; nghỉ hưu đối với Kiểm soát viên chuyên ngành và trả lương cho chức danh Kiểm soát viên chuyên ngành của VIETTEL. Quyết định giao nhiệm vụ cho 01 Kiểm soát viên làm Trưởng Ban kiểm soát, trong trường hợp tổ chức kiểm soát viên tại VIETTEL là Ban kiểm soát.
7. Quyết định ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của VIETTEL sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.
8. Phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch tài chính hằng năm của VIETTEL.
9. Giao kế hoạch sản xuất và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hàng năm cho VIETTEL.
10. Quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài của VIETTEL trong trường hợp dự án đầu tư đó do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thuộc trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 25 Điều lệ này. Quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài của VIETTEL không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 Luật đầu tư năm 2014.
11. Quyết định chủ trương đối với các dự án đầu tư vốn ra ngoài VIETTEL bao gồm: Góp vốn để thành lập doanh nghiệp khác; góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân mới; mua cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp khác; mua toàn bộ doanh nghiệp khác; mua công trái, trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp từng dự án đầu tư có giá trị trên 30% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của VIETTEL tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án hoặc trên mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công, với điều kiện các dự án này không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 7 và 8 Điều 25 Điều lệ này và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 12 Điều này.
12. Quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án góp vốn liên doanh của VIETTEL với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, dự án đầu tư vào doanh nghiệp khác để cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
13. Quyết định chủ trương từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định không thuộc quy định tại khoản 11, khoản 12 Điều này với giá trị trên 30% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của VIETTEL tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án hoặc trên mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.
14. Quyết định chủ trương giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của VIETTEL tại doanh nghiệp khác. Quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư của VIETTEL tại doanh nghiệp khác trong trường hợp giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của VIETTEL, sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất vốn đầu tư.
15. Quyết định chủ trương tiếp nhận doanh nghiệp khác trở thành công ty con, công ty liên kết của VIETTEL.
16. Quyết định chủ trương cho vay có giá trị trên 30% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của VIETTEL tại thời điểm gần nhất với thời điểm cho vay hoặc trên mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.
17. Quyết định chủ trương vay nợ nước ngoài của VIETTEL và đề nghị Bộ Tài chính thẩm định đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.
18. Quyết định chủ trương huy động vốn đối với từng dự án có mức huy động trên 30% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của VIETTEL tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn hoặc trên mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công; phê duyệt chủ trương huy động vốn của tổ chức tín dụng, cá nhân nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh phải bảo đảm tổng số nợ phải trả bao gồm các khoản bảo lãnh đối với công ty con theo quy định của pháp luật không quá ba lần vốn chủ sở hữu của VIETTEL được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của VIETTEL tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn.
19. Quyết định chủ trương đối với các hợp đồng cho thuê tài sản có giá trị trên 30% vốn chủ sở hữu được ghi trong báo cáo tài chính quý hoặc năm của VIETTEL tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định cho thuê tài sản hoặc giá trị còn lại của tài sản cho thuê trên mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.
20. Quyết định chủ trương thế chấp, cầm cố tài sản của VIETTEL để vay vốn theo quy định tại Điều 23 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; chủ trương thế chấp, cầm cố tài sản trực tiếp phục vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm công ích, quốc phòng, an ninh tại VIETTEL.
21. Quyết định chủ trương thanh lý, nhượng bán tài sản có giá trị còn lại trên 30% vốn chủ sở hữu ghi trên bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của VIETTEL tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định thanh lý, nhượng bán tài sản hoặc trên mức dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công.
22. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính: Giao, điều chỉnh đơn giá tiền lương cho VIETTEL theo từng giai đoạn cho phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp nhận, chấp thuận và theo dõi, giám sát việc xác định quỹ tiền lương thực hiện và quỹ tiền lương kế hoạch của VIETTEL.
23. Thẩm định, phê duyệt báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hàng năm của VIETTEL; chấp thuận để Chủ tịch VIETTEL xử lý các khoản lỗ phát sinh trong kinh doanh.
24. Chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trong việc thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển; giám sát việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm của VIETTEL; việc thực hiện giám sát, kiểm tra việc chấp hành Quy chế công tác cán bộ, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của VIETTEL; có ý kiến về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan tổ chức khác có thẩm quyền đối với hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại VIETTEL; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của VIETTEL. Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với Chủ tịch Tổng Giám đốc VIETTEL, Kiểm soát viên chuyên ngành và các chức danh quản lý khác theo quy định của pháp luật.
25. Quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Bộ quản lý ngành theo quy định của pháp luật.
26. Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Trên đây là tư vấn về quyền, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng đối với VIETTEL. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Nghị định 05/2018/NĐ-CP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chào thân ái và chúc sức khỏe!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?