Hướng dẫn thủ tục nhập khẩu thực phẩm

Công ty nhập khẩu: rượu chát, bánh kẹo, dầu olive, sữa từ Úc về Việt Nam bán Xin tư vấn giúp: 1. Thủ tục nhập khẩu? 2. Mức thuế suất? 3. Các giấy phép để đủ điều kiện nhập khẩu về kinh doanh?

1. Về chính sách mặt hàng:

Trường hợp công ty là thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

1.1 Về kiểm tra chất lượng:

- Căn cứ 3648/QĐ-BCT ngày 08/09/2016 của Bộ Công thương về ban hành Danh mục sản phẩm hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra việc đảm bảo chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, khi nhập khẩu lô hàng rượu, bánh, sữa chế biến, dầu olive các loại bạn phải đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm với Bộ Công Thương.

+ Nhập khẩu bánh, kẹo, sữa chế biến, dầu olive:

Các mặt hàng trên thuộc phạm vi điều chỉnh về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm Bộ Công thương theo Thông tư 28/2013/TT-BCT ngày 06 tháng 11 năm 2013

+ Nhập khẩu rượu:

Công ty tham khảo các quy định tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó: “- Rượu nhập khẩu phải có chứng từ nhập khẩu hợp pháp theo quy định hiện hành và thực hiện quy định về dán tem rượu nhập khẩu theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

- Chỉ có doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu mới được nhập khẩu trực tiếp rượu và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của rượu nhập khẩu. Doanh nghiệp nhập khẩu rượu bán thành phẩm và phụ liệu dùng để pha chế thành rượu thành phẩm chỉ được bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu.

- Rượu nhập khẩu phải được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi nhập khẩu và phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng theo các quy định hiện hành.

- Rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Ngoài các chứng từ xuất trình cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu theo quy định, thương nhân nhập khẩu phải xuất trình thêm Giấy chỉ định hoặc ủy quyền là phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó.”

Như vậy, theo quy định này, khi làm thủ tục nhập khẩu ngoài các chứng từ phải nộp theo quy định tại Điều 16 và 18 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, công ty phải xuất trình thêm Giấy chỉ định hoặc ủy quyền là phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của hãng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời khi nhập khẩu rượu, công ty phải đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi nhập khẩu và phải được cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu”.

1.2 Về công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm:

-Căn cứ Điều 3 Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định:

“Điều 3. Công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm

1. Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (sau đây gọi chung là sản phẩm) đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

2. Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.”

Về giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, quy định: “Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý.”

Theo quy định trên, các mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn (rong biển, mì ăn liền, bánh kẹo, …) phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Hồ sơ công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được quy định cụ thể tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ.

-Căn cứ Điều 4 Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ, thì Bộ Y tế là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố Hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm các sản phẩm đã nêu định nhập khẩu.

2./ Mã HS và thuế suất:

- Công ty có thể tham khảo các văn bản quy phạm pháp luật sau để làm căn cứ xác định mã HS phù hợp:

+ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân tích phân loại hàng hóa.

+ Chú giải của Hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hóa của Hội đồng hợp tác Hải quan Thế giới.

Căn cứ vào Biểu thuế xuất nhập nhập khẩu ưu đãi 2016 ban hành theo Nghị Định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2016. Theo đó:

+ Sữa có thể tham khảo phân loại mã HS nhóm 0402, tuỳ theo hàm lượng chất béo, phương thức đóng gói mà có thuế suất thuế NK chi tiết phù hợp; thuế suất thuế giá trị gia tăng là 10%.

+ Kẹo có thể tham khảo phân loại mã HS 1704 ; thuế suất thuế GTGT 10%.

+ Dầu Olive công ty có thể tham khảo phân nhóm 1515, 1516, 1517 và 1518 để áp mã tuỳ theo nguồn gốc, thành phần, cấu tạo, phương pháp chế biến,…

+ Rượu vang có thể được phân loại mã HS 2204,

+ Rượu có độ cồn dưới 20 độ nếu là Rượu vang khác làm từ trái cây đã pha thêm hương vị từ thảo mộc hoặc chất thơm, đóng chai dưới 2 lít, được phân loại vào “Loại trong đồ đựng không quá 2 lít” có mã HS thuộc nhóm 2205.10. Trường hợp đóng chai từ 2 lít trở lên, được phân loại vào “Loại khác” có mã HS thuộc nhóm 2205.90

Lưu ý, căn cứ để áp mã số thuế là căn cứ vào hàng hóa thực tế nhập khẩu của công ty tại thời điểm nhập khẩu, trên cơ sở doanh nghiệp cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc/và đi giám định tại Trung tâm phân tích phân loại của Hải quan. Kết quả kiểm tra thực tế của hải quan nơi công ty làm thủ tục và kết quả của Trung tâm phân tích phân loại xác định là cơ sở pháp lý và chính xác để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu đó.

- Công ty đối chiếu thực tế hàng hóa nhập khẩu với Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Ot-xtray-lia - Niu Di-lân giai đoạn 2016 – 2018 ban hành kèm theo Nghị định số 127/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016cũng như xuất xứ hàng hoá để biết chính xác thuế suất thuế nhập khẩu.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
5,227 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào