Hợp đồng Li - xăng nhãn hiệu
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng SHTT được đặc trưng là những dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa dịch vụ của các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ khác nhau. Nhãn hiệu cũng là một trong những đối tượng được phép Li-xăng
Li – xăng nhãn hiệu là gì?
Các nước trên thế giới gọi loại hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu là hợp đồng li xăng nhãn hiệu. Li-xăng nhãn hiệu được hiểu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép một pháp nhân hoặc cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu của mình trên một vùng lãnh thổ nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó nhãn hiệu được li-xăng phải thuộc quyền sử dụng của bên giao li xăng.
Các dạng của hợp đồng li – xăng nhãn hiệu
Theo Điều 143, Luật Sở hữu Trí tuệ quy định về Các dạng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Theo đó, hợp đồng li xăng bao gồm các loại sau:
- Hợp đồng li – xăng nhãn hiệu độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng nhãn hiệu với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng nhãn hiệu đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
- Hợp đồng Li – xăng nhãn hiệu không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;
- Hợp đồng li – xăng nhãn hiệu thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu đó theo một hợp đồng khác.
Nội dung hợp đồng li – xăng nhãn hiệu
Hợp đồng li – xăng nhãn hiệu phải có đầy đủ các điều khoản theo Điều 144, Luật sở hữu trí tuệ quy định về nội dung hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Cụ thể:
- Điều khoản về bên cấp li – xăng, bên nhận li- xăng: Tên, địa chỉ đầy đủ của Bên chuyển quyền và Bên nhận chuyển quyền. Điều khoản này nhằm xác nhận và định danh các chủ thể của hợp đồng. Ngoài ra, các bên cũng cần tìm hiểu sự chính xác của các thông tin đối tác đưa ra để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng.
- Điều khoản về cơ sở chuyển giao quyền sử dụng (đó có thể là quyết định đăng kí nhãn hiệu, Hợp đồng li – xăng độc quyền): Điều khoản này nhằm bảo đảm nhãn hiệu này đã được bảo hộ và được phép chuyển nhượng.
- Điều khoản về đối tượng của hợp đồng: nhãn hiệu thuộc sở hữu hoặc sử dụng của bên chuyển giao là đối tượng của hợp đồng li – xăng nhãn hiệu
- Điều khoản về phạm vi chuyển giao: điều khoản này đề cập đến dạng hợp đông (đã chỉ ra ở trên) cũng như phạm vi nhãn hiệu và sản phẩm dịch vụ mang nhãn hiệu mà bên nhận Li-xăng được phép sử dụng.
- Giới hạn lãnh thổ: được hiểu là phạm vi lãnh thổ theo đó đối tượng được bên chuyển giao bảo đảm cho Bên nhận không bị tranh chấp với bên thứ ba cũng như có các quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ bởi Nhà nước. Thông thường, lãnh thổ này là lãnh thổ một quốc gia cụ thể nhưng cũng không loại trừ khả năng thoả thuận bảo hộ trên lãnh thổ rộng lớn hơn.
- Điều khoản về giá Li-xăng: điều khoản này sẽ quy định về phí Li-xăng cũng như các chi phí khác do hai bên thỏa thuận (như phí trả cho chuyên viên hướng dẫn các vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm…)
- Điều khoản về thời hạn li – xăng: Việc các bên thoả thuận thời hạn li xăng là để bảo đảm quyền của Bên chuyển giao với việc tối đa hoá lợi ích trong thời gian đối tượng còn giá trị. Theo quy định pháp luật, thời hạn này phải nằm trong thời hạn bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, nếu đây là hợp đồng chuyển giao thứ cấp thì thời hạn này nằm trong thời hạn hợp đồng chuyển giao độc quyền trên thứ cấp.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên: Các bên có thể thoả thuận về mọi vấn đề tuy nhiên phải ghi nhớ những quy định bắt buộc của pháp luật nước sở tại để đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng. Đối với pháp luật Việt nam có một số quy định về nghĩa vụ cụ thể của các bên như sau:
Bên chuyển giao: Thứ nhất, đăng ký hợp đồng nếu việc đăng ký không được Bên nhận tiến hành. Thứ hai, nộp thuế chuyển giao. Thứ ba, giải quyết tranh chấp với người thứ ba nếu việc chuyển giao gây nên tranh chấp đó.
Bên nhận: Thứ nhất, đăng ký hợp đồng nếu bên kia không đăng ký. Thứ hai, trả tiền (Phí chuyển giao). Thứ hai, chịu sự kiểm tra về chất lượng hàng hoá mang nhãn hiệu (nếu cần thiết) và phải đảm bảo chất lượng hàng hoá như hàng hoá Bên giao. Thứ ba, ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về sản xuất theo li xăng và Bên giao là ai.
- Điều khoản về giải quyết tranh chấp: Điều khoản nhằm điều hoà mối quan hệ các bên thông quan chủ thể có chức năng giải quyết tranh chấp. Các bên có thể thoả thuận trọng tài hoặc toà án giải quyết. Pháp luật quy định khá cụ thể về vấn đề này, dẫn đến các bên cần nghiên cứu kỹ pháp luật để lựa chọn phương thức phù hợp và thích ứng.
Lưu ý
Hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá có hiệu lực theo thoả thuận giữa các bên nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ và sẽ mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của bên giao bị chấm dứt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?