Tình tiết người pham tội “ tự thú” trong hình sự
Tự thú là việc một người phạm tội tự mình khai nhận các hành vi phạm tội của mình khi chưa bị phát giác. Tùy từng trường hợp căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vào hậu quả đã xảy ra và thái độ khai báo mà người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc chỉ được giảm nhẹ khi áp dụng quyết định hình phạt.
Hiểu rõ bản chất tình tiết người phạm tội “tự thú” có một ý nghĩa rất quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Tự thú là tự mình nhận tội và khai ra các hành động phạm pháp của mình
Tự thú là tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các nhà chức trách. Về pháp lý, chỉ coi tự thú khi tội phạm họ thực hiện chưa bị phát hiện nhưng tự đến cơ quan có thẩm quyền (Công an, Viện kiểm sát, Thanh tra...) khai báo hành vi phạm tội của mình và đồng phạm (nếu có).
Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình là hành vi đáng được khoan hồng, nhưng mức độ khoan hồng tới đâu, thì lại phải căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước; căn cứ vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra; thái độ khai báo; sự góp phần vào việc phát hiện và điều tra tội phạm của người tự thú. BLHS quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu “trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm”. Trong trường hợp người phạm tội tự thú nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 25 BLHS thì được coi là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 46 BLHS; nếu cùng với việc tự thú mà còn lập công lớn, vận động được nhiều người khác đã phạm tội ra tự thú thì có thể được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước”
Điều kiện người tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự
Qua nghiên cứu pháp luật hình sự, có thể thấy người phạm tội mà tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng các điều kiện: Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát giác, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm; Người tự thú phải khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, tức là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác, không giấu diếm bất cứ một tình tiết nào của vụ án, đồng thời giúp Cơ quan Điều tra phát hiện tội phạm ; Cùng với việc tự thú người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.
Đồng thời phải hiểu rằng người phạm tội cũng chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự. Và vì vậy, khi xem xét để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội ra tự thú phải xem xét một cách toàn diện phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; vào hậu quả đã xảy ra; vào thái độ khai báo của người phạm tội tự thú; vào sự góp phần vào việc phát hiện, điều tra tội phạm;
Thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tự thú
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) thì Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án có quyền miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội tự thú theo khoản 2 Điều 25 BLHS (khoản 2 Điều 164; khoản 1 Điều 169; khoản 2 Điều 227 BLTTHS). Việc miễn trách nhiệm hình sự của Cơ quan Điều tra và Viện Kiểm sát được thực hiện bằng một quyết định nhưng đối với Toà án thì phải bằng bản án, vì Viện Kiểm sát đã xác định người phạm tội không được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 25 BLHS nên mới truy tố ra toà, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà chỉ được ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 107 của BLTTHS hoặc khi Viện Kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên toà. Chỉ có Hội đồng xét xử khi nghị án, qua thảo luận, cân nhắc đánh giá thấy trường hợp tự thú của bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự thì quyết định trong bản án.
Như vậy, việc quy định chính sách hình sự đối với người phạm tội “Tự thú” là thể hiện chính sách khoan hồng và nhân đạo của nhà nước ta, phù hợp với văn hoá và đạo đức truyền thống của người Việt Nam là “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Mặt khác, đây là một chính sách hình sự nhằm khuyến khích người phạm tội ra “tự thú”, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi những tội phạm nguy hiểm cho xã hội chưa bị xử lý, đồng thời kịp thời giáo dục, tạo cơ hội cho những người đã lầm lỡ phạm tội, nay quyết tâm cải tạo để hoàn lương, xoá đi những mặc cảm tội lỗi của mình trước đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- vnEdu.vn đăng nhập tra điểm nhanh nhất 2024 dành cho phụ huynh và học sinh?
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 năm 2024?
- Tháng 11 âm lịch là tháng mấy dương lịch 2024? Xem lịch âm Tháng 11 2024 chi tiết?
- Mẫu Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới nhất 2024?
- Nội dung công việc thực hiện công tác địa chất đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?