Quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích
Một người được xem là mất tích khi trong suốt một thời gian dài không ai biết người đó đang ở đâu, đang sống hay đã chết. Tuy vậy, về mặt pháp lý, chỉ có tòa án là nơi duy nhất có quyền phán quyết (tuyên bố) một người nào đó có mất tích hay không, theo những thủ tục chặt chẽ.
Theo qui định tại Bộ luật dân sự, khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan (thường là cha mẹ, vợ chồng, con …), Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Điều này có nghĩa là người có quyền và lợi ích liên quan sẽ phải nộp “Đơn yêu cầu tuyên bố mất tích” đến Tòa án nơi người biệt tích đó cư ngụ trước đây. Tòa sẽ xem xét và nếu có đủ yếu tố theo luật định thì sẽ ban hành một Quyết định về việc này.
Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Việc tuyên bố một người là mất tích có ý nghĩa khá quan trọng, vì sẽ dẫn theo những hậu quả pháp lý liên quan đến việc giải quyết tài sản, quan hệ nhân thân … của người đó.
Cụ thể : Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn. Tài sản của người mất tích sẽ được quản lý như trường hợp "người vắng mặt". Sau đó, nếu quá 3 năm kể từ ngày Tòa tuyên bố mất tích mà vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống thì cũng theo yêu cầu của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án sẽ xem xét và tuyên bố "đã chết". Lúc này, tài sản của người mất tích sẽ trở thành tài sản của người đã chết - trở thành di sản và được chia theo qui định của pháp luật về thừa kế.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp một người đã bị tuyên bố là mất tích (hay thậm chí là đã chết) lại ... trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống.
Khi đó, theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án sẽ ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích trước đây. Lúc này, người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản của mình.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật. Hai người muốn tiếp tục là vợ chồng thì phải đi đăng ký kết hôn lại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?