Quy định về mức tiền phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp

Mức tiền phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Trần Minh Đức, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, mức tiền phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập. Trần Minh Đức (minhduc*****@gmail.com)

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 71/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì mức tiền phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp được quy định cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;

+ Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trung hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh;

+ Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 28 Nghị định 71/2014/NĐ-CP.

- Phạt tiền gấp hai lần mức quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định 71/2014/NĐ-CP đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định 71/2014/NĐ-CP trong các trường hợp sau:

+ Hàng hóa, dịch vụ liên quan là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo quy định của pháp luật;

+ Hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

- Ngoài việc bị phạt tiền theo Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 28 Nghị định 71/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục sau đây:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;

+ Buộc cải chính công khai.

Trên đây là nội dung tư vấn về mức tiền phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 71/2014/NĐ-CP.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
197 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào