Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 2 Quyết định 61/2014/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng để Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền:
a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các văn bản khác về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính;
b) Chiến lược, chương trình quốc gia, đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, dự thảo báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính.
2. Trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định:
a) Thành lập, giải thể cơ quan thi hành án dân sự; các phòng chuyên môn và tổ chức tương đương thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Quản lý tổ chức, công chức của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật;
c) Quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, biểu mẫu, giấy tờ về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính;
d) Quy định về thống kê thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.
3. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính sau khi được phê duyệt, ban hành.
Thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
Tuyên truyền, giáo dục, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm bản án, quyết định dân sự, hành chính của Tòa án và các quy định khác theo quy định của pháp luật.
4. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, văn bản cá biệt, văn bản quy phạm nội bộ theo quy định của pháp luật.
5. Tổ chức kiểm tra:
a) Việc thực hiện trình tự, thủ tục và áp dụng pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính;
b) Chế độ thống kê và báo cáo về thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính;
c) Việc thu, chi tiền, giao, nhận tài sản trong thi hành án dân sự; việc thu, nộp các khoản phí, lệ phí và chi phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự;
d) Các hoạt động khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự và công tác quản lý về thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
7. Thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm trong thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính.
8. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.
9. Theo dõi việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, đôn đốc thi hành, án hành chính. Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định.
10. Thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đánh giá kết quả về hợp tác quốc tế trong công tác thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.
11. Phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện thanh tra về quản lý thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính và xử lý hành vi không chấp hành án theo quy định của pháp luật.
12. Giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội,
13. Tổ chức nghiên cứu, quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự; hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ quan thi hành án dân sự.
14. Thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành án dân sự và thi hành án hành chính.
15. Quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự; thực hiện chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, miễn nhiệm, từ chức, biệt phái, nghỉ hưu, thôi việc; khen thưởng, kỷ luật; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục Thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
16. Quản lý, thực hiện phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
17. Quản lý khoản thu phí do cơ quan thi hành án dân sự nộp cho Tổng cục Thi hành án dân sự để thực hiện việc điều hòa phí thi hành án và sử dụng theo quy định của pháp luật.
18. Tổ chức và quản lý công tác thi đua - khen thưởng của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự, các tổ chức, cá nhân khác có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
19. Thực hiện các quy định về bồi thường nhà nước trong thi hành án dân sự, đôn đốc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.
20. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
21. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao và theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Thi hành án dân sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 61/2014/QĐ-TTg.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hạn nộp báo cáo tài chính quý 4/2024 của doanh nghiệp nhà nước là ngày nào?
- Tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt chỉ có đèn tín hiệu, người tham gia giao thông phải dừng lại và giữ khoảng cách tối thiểu bao nhiêu mét tính từ ray gần nhất?
- Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ trong trường hợp nào?
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo tốc độ khai thác trong các trường hợp nào?
- Lịch nghỉ tết Nguyên đán diễn ra vào ngày nào đến ngày nào 2025? Nhằm vào ngày nào đến ngày nào dương lịch?