Nội dung điều tra khảo sát xâm nhập mặn

Việc điều tra khảo sát xâm nhập mặn bao gồm những nội dung gì? Chào các anh/chị trong Ban biên tập. Tôi đang muốn tìm hiểu một số nội dung quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu có một vài nội dung tôi chưa rõ lắm. Vì vậy, tôi có câu hỏi này mong nhận được sự tư vấn của Quý ban biên tập. Nội dung thắc mắc như sau: Nội dung điều tra khảo sát xâm nhập mặn được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập! Tôi chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe anh/chị rất nhiều. Ngọc Thi (thi***@gmail.com)

Nội dung điều tra khảo sát xâm nhập mặn được quy định tại Điều 14 Thông tư 39/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về quan trắc và điều tra khảo sát xâm nhập mặn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành như sau:

1. Xây dựng kế hoạch điều tra khảo sát

Mục đích và yêu cầu của điều tra khảo sát là xác định được các điểm đo trên đoạn sông điều tra khảo sát, đảm bảo xác định được diễn biến xâm nhập mặn (ranh giới mặn).

a) Hàng năm cần xây dựng kế hoạch điều tra khảo sát mặn theo nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế.

b) Lập kế hoạch khảo sát thực địa

- Kế hoạch phải đầy đủ nội dung khảo sát, bảo đảm khi hoàn thành khảo sát thực địa có đầy đủ thông tin để cấp có thẩm quyền quyết định.

- Thời gian khảo sát tiến hành trong mùa cạn.

2. Công tác chuẩn bị điều tra khảo sát

a) Thu thập tài liệu phục vụ điều tra khảo sát

- Sơ đồ hoặc bản đồ địa hình lưu vực sông khảo sát có tỷ lệ lớn hơn hoặc bằng 1:100.000.

- Điều kiện tự nhiên khái quát của đoạn sông khảo sát: địa hình, thủy văn, khí hậu, tình trạng xói, bồi lòng sông.

- Tình hình hoạt động kinh tế - xã hội của đoạn sông khảo sát (dân số, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải,...), đặc biệt là hoạt động tưới tiêu, việc dùng nước hoặc thải nước của các công trình, nhà máy... ở hai bên sông.

- Tài liệu điều tra mặn của các ngành, cơ quan, đơn vị khác (nếu có).

- Tài liệu có liên quan đến độ mặn như: mực nước, lượng mưa, hiện tượng thời tiết (trường hợp có trạm khí tượng, thủy văn trong khu vực khảo sát).

b) Sơ bộ chọn các điểm đo trên sơ đồ hoặc bản đồ địa hình

Căn cứ yêu cầu điều tra và tài liệu đã thu thập, sơ bộ chọn, đánh dấu các điểm đo trên sơ đồ hoặc bản đồ địa hình. Ghi rõ kinh vĩ độ, tên địa phương của các điểm đo đã chọn.

c) Kiểm tra tình trạng trang thiết bị, dụng cụ phục vụ điều tra khảo sát

d) Công tác kiểm tra thiết bị, dụng cụ (quy định tại Điều 6, Chương II Quy định này) được thực hiện nghiêm túc trước khi đi thực địa để đảm bảo máy đo, dụng cụ đầy đủ và hoạt động tốt trong quá trình điều tra khảo sát.

c2) Ngoài ra, cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng khác như:

- Sổ sách, biểu mẫu, tài liệu liên quan đến điều tra khảo sát;

- Trang bị bảo hộ lao động như: mũ, quần áo bảo hộ, giầy vải (hoặc ủng cao su), áo phao, áo mưa, khẩu trang, găng tay cao su, đèn pin, đèn hiệu, cờ hiệu, vật tư y tế.

d) Đảm bảo đầy đủ nhân lực phục vụ điều tra khảo sát.

3. Khảo sát thực tế

a) Điều tra, thu thập thông tin xâm nhập mặn ven sông và các năm có mặn điển hình.

- Thời gian thường xuất hiện đỉnh mặn trong năm.

- Thời gian xuất hiện mặn nhất (năm, tháng), vị trí xuất hiện độ mặn vào sâu nhất trong sông (năm, tháng).

- Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

b) Chọn các điểm đo

Điểm đo dự kiến chọn để khảo sát mặn thỏa mãn các quy định tại Điều 13 Quy định này, đối chiếu với các điểm đo đã chọn sơ bộ trên sơ đồ hoặc bản đồ địa hình, nếu khác thì điều chỉnh lại điểm đo cho phù hợp.

c) Khảo sát lựa chọn các công trình đã có sẵn trong đoạn sông dự kiến điều tra khảo sát mặn như cầu, cống để bố trí điểm đo (không phải đầu tư xây dựng công trình). Trường hợp điểm đo không có sẵn công trình, thì phải xây dựng mốc cố định cho điểm đo.

4. Lập hồ sơ điều tra khảo sát

Hồ sơ điều tra khảo sát do cơ quan phụ trách khảo sát lập và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ bao gồm những nội dung sau:

a) Bản đồ lưu vực sông (có các vị trí đo dự kiến điều tra khảo sát) với tỷ lệ lớn hơn hoặc bằng 1:100.000;

b) Sơ đồ hoặc bản đồ đoạn sông có các vị trí đo;

c) Báo cáo và tài liệu điều tra khảo sát (đóng thành tập hồ sơ theo khổ A4): thuyết minh các tài liệu tính toán, các bản vẽ ghi đầy đủ họ, tên và chữ ký của người tính toán, người vẽ, người kiểm tra.

5. Phân công nhiệm vụ thực hiện điều tra khảo sát

a) Mỗi tổ, đội điều tra có người phụ trách.

b) Người phụ trách có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, kiểm tra sự chuẩn bị của mỗi người, giải quyết các tình huống và chịu trách nhiệm về chất lượng điều tra khảo sát.

Trên đây là nội dung tư vấn về nội dung điều tra khảo sát xâm nhập mặn. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 39/2016/TT-BTNMT.

Trân trọng thông tin đến bạn!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

213 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào