Kiểm tra trong quá trình sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy được quy định như thế nào?

Kiểm tra trong quá trình sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy được quy định như thế nào?  Xin chào Ban biên tập. Tôi tên là Minh Phương, đang sống và làm việc tại Tp.HCM. Tôi đang cần tìm hiểu các quy định liên quan đến kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe mô tô, gắn máy. Cho tôi hỏi: Kiểm tra trong quá trình sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn.        

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 45/2012/TT-BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe mô tô, gắn máy do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành thì nội dung này được quy định như sau:  

1. Cơ sở sản xuất chỉ được tiến hành sản xuất, lắp ráp các sản phẩm tiếp theo sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận cho kiểu loại sản phẩm đó và phải đảm bảo các sản phẩm này phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, mẫu điển hình đã được thử nghiệm và chứng nhận chất lượng kiểu loại. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm xuất xưởng.

2. Từng sản phẩm sản xuất hàng loạt phải được Cơ sở sản xuất kiểm tra chất lượng xuất xưởng (sau đây gọi tắt là kiểm tra xuất xưởng) theo một trong hai hình thức kiểm tra xuất xưởng có sự giám sát của Cơ quan QLCL hoặc tự kiểm tra xuất xưởng.

3. Kiểm tra xuất xưởng có sự giám sát của Cơ quan QLCL.

a) Cơ quan QLCL thực hiện giám sát việc kiểm tra xuất xưởng (sau đây gọi tắt là giám sát) tại Cơ sở sản xuất, lắp ráp xe trong các trường hợp sau:

- Cơ sở sản xuất lần đầu tiên sản xuất, lắp ráp;

- Cơ sở sản xuất vi phạm các quy định liên quan đến kiểm tra chất lượng nhưng chưa đến mức phải thu hồi Giấy chứng nhận.

b) Các nội dung giám sát được quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này. Thời gian của một đợt giám sát là 06 tháng (có sản phẩm xuất xưởng) hoặc 2000 sản phẩm tuỳ theo yếu tố nào đến trước.

c) Sau đợt giám sát, nếu chất lượng sản phẩm ổn định và Cơ sở sản xuất thực hiện đúng quy định liên quan đến kiểm tra chất lượng thì Cơ quan QLCL thông báo bằng văn bản cho Cơ sở sản xuất được áp dụng hình thức tự kiểm tra xuất xưởng theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Chất lượng sản phẩm được coi là ổn định nếu tỉ lệ giữa số sản phẩm không đạt yêu cầu, phải giám sát lại và tổng số sản phẩm được giám sát như sau:

- Không lớn hơn 5% tính cho cả đợt giám sát; hoặc

- Không lớn hơn 10% tính cho một tháng bất kỳ của đợt giám sát.

4. Tự kiểm tra xuất xưởng

a) Các Cơ sở sản xuất không thuộc diện phải giám sát quy định tại khoản 3 Điều này được tự thực hiện việc kiểm tra xuất xưởng theo các quy định hiện hành.

b) Cơ quan QLCL có thể tiến hành kiểm tra đột xuất, trường hợp kết quả kiểm tra đột xuất cho thấy Cơ sở sản xuất vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng sản phẩm thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ thu hồi Giấy chứng nhận hoặc áp dụng hình thức giám sát kiểm tra xuất xưởng như quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Căn cứ vào Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đã cấp và việc thực hiện kiểm tra xuất xưởng, Cơ sở sản xuất sẽ được nhận phôi Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII kèm theo Thông tư này) cho từng lô xe sản xuất, lắp ráp.

6. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của từng xe, Cơ sở sản xuất cấp Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phải do người có thẩm quyền (cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp được ủy quyền bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ sở sản xuất) ký tên và đóng dấu. Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cấp cho xe dùng để làm thủ tục đăng ký xe.

7. Hồ sơ xuất xưởng

Cơ sở sản xuất có trách nhiệm lập và cấp cho từng sản phẩm xuất xưởng các hồ sơ sau đây:

a) Đối với động cơ, khung: Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng;

b) Đối với xe mô tô, xe gắn máy: Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo quy định tại khoản 6 Điều này, Hướng dẫn sử dụng, Phiếu bảo hành sản phẩm.

Trên đây là nội dung tư vấn về kiểm tra trong quá trình sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 45/2012/TT-BGTVT.

Trân trọng!  

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,136 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào