Nội dung, mức chi cho công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
1. Chi cho công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:
a) Chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, cước phí bưu chính, in ấn tài liệu, mẫu biểu phục vụ cho công tác lập hồ sơ: Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Chi xác định tình trạng nghiện ma túy: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành của cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;
c) Chi công tác phí cho cán bộ đi xác minh nơi cư trú, bàn giao người vi phạm, xác minh, thu thập tài liệu để lập hồ sơ đề nghị hoặc thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC).
2. Chi hỗ trợ các tổ chức xã hội quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP:
a) Hỗ trợ trực tiếp cho người của tổ chức xã hội được phân công quản lý, giúp đỡ người nghiện theo các chức danh nhân sự quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP:
- Mức chi: 150.000 đồng/người/ngày đối với phụ trách đơn vị, y sỹ, bác sỹ.
- Mức chi: 100.000 đồng/người/ngày đối với điều dưỡng viên, bảo vệ.
b) Hỗ trợ cho người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lưu trú tại tổ chức xã hội:
- Tiền ăn: Mức hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày.
- Tiền thuốc chữa bệnh thông thường: 50.000 đồng/người/tháng. Trường hợp trong thời gian lưu trú theo chỉ định của bác sỹ phải điều trị cắt cơn tại tổ chức xã hội: Hỗ trợ một lần tối đa 650.000 đồng/người.
- Quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết: được cấp 02 (hai) bộ quần áo dài, 02 (hai) bộ quần áo lót, khăn mặt, dép nhựa, bàn chải, thuốc đánh răng, xà phòng. Mức 400.000 đồng/người.
- Tiền vệ sinh phụ nữ: 30.000 đồng/người/tháng.
- Tiền điện, nước sinh hoạt: 80.000 đồng/người/tháng.
- Đối với người bị nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ theo quy định tại khoản 8 Điều 5 Thông tư này;
c) Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp danh sách tổ chức xã hội đủ điều kiện quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Việc hỗ trợ kinh phí cho tổ chức xã hội thực hiện như sau:
- Định kỳ (3 tháng hoặc 6 tháng), căn cứ số lượng người nghiện không có nơi cư trú ổn định lưu trú tại tổ chức xã hội, tổ chức xã hội có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị hỗ trợ các khoản chi theo quy định tại các điểm a và b khoản này, kèm theo các tài liệu sau:
+ Bảng tổng hợp kinh phí đề nghị hỗ trợ;
+ Danh sách người nghiện không có nơi cư trú ổn định lưu trú tại tổ chức xã hội (ghi rõ số ngày từng người thực tế lưu trú tại tổ chức xã hội);
+ Bản phô tô các Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 14/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/6/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành biểu mẫu về lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hướng dẫn xây dựng nội quy, quy chế đối với học viên của cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Danh sách người của tổ chức xã hội được phân công quản lý, giúp đỡ người nghiện theo quy định tại điểm a khoản này;
+ Các chứng từ chi tiêu có liên quan đến việc hỗ trợ cho người nghiện quy định tại điểm b khoản này (để đối chiếu, tổ chức xã hội trực tiếp thực hiện lưu giữ theo quy định hiện hành).
- Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ tài liệu của tổ chức xã hội theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp kinh phí hỗ trợ cho tổ chức xã hội (theo mức chi quy định tại các điểm a và b khoản này và số lượng người nghiệm không có nơi cư trú ổn định lưu trú tại tổ chức xã hội theo thời gian thực tế). Trường hợp kinh phí đề nghị hỗ trợ vượt dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi Sở Tài chính thẩm định trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Trường hợp không giải quyết hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Chi tiền tàu xe hoặc thuê mướn phương tiện vận chuyển đưa người không có nơi cư trú ổn định vào tổ chức xã hội; đưa người đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đưa người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không xác định được nơi cư trú và không cong khả năng lao động vào cơ sở bảo trợ xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp sử dụng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng, chứng từ, hóa đơn thực tế và phù hợp với giá trên địa bàn cùng thời điểm.
4. Chi truy tìm người đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng bỏ trốn trước khi đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; truy tìm học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện bắt buộc:
a) Chi cho người được giao nhiệm vụ truy tìm đối tượng bỏ trốn:
- Chi chế độ công tác phí: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC. Ngoài chế độ công tác phí, trong những ngày truy tìm đối tượng bỏ trốn được bồi dưỡng: 100.000 đồng/người/ngày.
- Chi chế độ làm đêm, thêm giờ: Thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức.
b) Hỗ trợ cho đối tượng trong những ngày đi trên đường:
- Tiền ăn: 40.000 đồng/ngày/người;
- Tiền ngủ (nếu có) theo mức quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.
Trên đây là nội dung tư vấn về nội dung, mức chi cho công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?