Hoạt động của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát cho công ty quản lý quỹ được quy định như thế nào?

Hoạt động của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát cho công ty quản lý quỹ được quy định như thế nào theo quy định hiện hành? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang muốn tìm hiểu một số nội dung quy định của pháp luật liên quan đến ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký đối với việc thành lập quỹ đóng, quỹ thành viên để phục vụ cho nhu cầu công việc của mình. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu có một vài nội dung tôi chưa rõ lắm. Chính vì thế, tôi có câu hỏi này mong nhận được sự tư vấn của Quý ban biên tập. Nội dung thắc mắc như sau: Hoạt động của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát cho công ty quản lý quỹ được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập! Tôi chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe anh/chị rất nhiều. Công Khanh (khanh***@gmail.com)

Hoạt động của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát cho công ty quản lý quỹ được quy định tại Điều 28 Thông tư 224/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đóng, quỹ thành viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:

1. Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát được lựa chọn tổ chức tài chính ở nước ngoài có chức năng lưu ký tài sản làm tổ chức lưu ký phụ để lưu ký các tài sản ở nước ngoài của quỹ được đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật. Hoạt động ủy quyền lưu ký phải tuân thủ các quy định sau:

a) Tổ chức lưu ký phụ phải là thành viên lưu ký theo quy định của pháp luật nước ngoài;

b) Hoạt động ủy quyền lưu ký phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát và tổ chức lưu ký phụ. Hợp đồng phải quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát và tổ chức lưu ký phụ. Tổ chức lưu ký phụ chỉ thực hiện theo lệnh hoặc chỉ thị hợp pháp của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát;

c) Tài sản lưu ký phải được xác định rõ là tài sản của quỹ mà ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát cung cấp dịch vụ;

d) Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức lưu ký phụ cũng như chịu mọi chi phí phát sinh liên quan tới việc ủy quyền thực hiện các hoạt động giám sát, lưu ký tài sản của quỹ;

đ) Tổ chức lưu ký phụ ở nước ngoài có quyền tái lưu ký tài sản tại tổ chức lưu ký chứng khoán mà họ là thành viên, theo quy định của nước sở tại. Tài sản của quỹ phải được tổ chức lưu ký phụ đăng ký quyền sở hữu thuộc về quỹ theo quy định của pháp luật liên quan;

e) Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát phải có đầy đủ thông tin về tất cả mọi tài sản thuộc sở hữu của quỹ, bao gồm loại, khối lượng, nơi lưu ký, lưu kho tài sản và các tài liệu xác nhận quyền sở hữu tài sản của quỹ. Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát có trách nhiệm bảo đảm tài sản của quỹ phải được đăng ký sở hữu thuộc về quỹ, lưu ký để luôn có thể nhận diện, xác nhận là tài sản thuộc sở hữu của quỹ.

2. Trách nhiệm của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát trong hoạt động lưu ký tài sản của quỹ:

a) Yêu cầu công ty quản lý quỹ thực hiện việc đăng ký tài sản của quỹ dưới tên của quỹ trong thời gian sớm nhất theo các điều khoản hợp đồng kinh tế giữa quỹ (thông qua công ty quản lý quỹ) và đối tác và theo các quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm toàn bộ tài sản của quỹ phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam phải được đăng ký sở hữu thuộc quỹ và lưu ký đầy đủ tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát theo nguyên tắc sau:

- Trường hợp tài sản có đăng ký sở hữu, thì đăng ký, ghi nhận dưới tên chủ sở hữu là quỹ, trừ trường hợp tài sản phải đăng ký, ghi nhận dưới tên của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát hoặc tổ chức lưu ký phụ hoặc công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời, lưu ký tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát. Bản gốc các tài liệu pháp lý xác nhận quyền sở hữu tài sản phải được lưu ký và gửi kho quỹ đầy đủ tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, trừ trường hợp là chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tập trung. Trường hợp tài sản là bất động sản, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát phải bảo đảm có đầy đủ tài liệu pháp lý về quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định. Trường hợp là chứng khoán phát hành dưới hình thức ghi sổ, hoặc việc chuyển quyền sở hữu cho quỹ chưa hoàn tất, hợp đồng mua bán gốc và giao dịch thanh toán mua phải được lưu ký tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát;

Trường hợp tài sản không được đăng ký sở hữu, hoặc chưa được kịp thời chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn quy định tại các thỏa thuận phát hành, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng đầu tư hoặc các hợp đồng kinh tế tương đương, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát có trách nhiệm xác nhận rõ về tình trạng lưu ký và đăng ký tài sản này tại các báo cáo định kỳ được lập theo quy định có liên quan tại khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 33 Thông tư này, đồng thời gửi thông báo bằng văn bản cho ban đại diện quỹ.

- Trường hợp là loại tài sản không có đăng ký sở hữu, thì ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát có trách nhiệm định kỳ hàng tháng đối soát với tổ chức tiếp nhận vốn đầu tư, tổ chức phát hành, tổ chức quản lý sổ đăng ký cổ đông hoặc các tổ chức tương đương khác về khối lượng, giá trị tài sản của quỹ, bảo đảm việc lưu ký tài sản tuân thủ quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.

- Trường hợp là tiền gửi ngân hàng, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát có quyền và trách nhiệm yêu cầu công ty quản lý quỹ cung cấp đầy đủ thông tin về các hợp đồng tiền gửi, các tài khoản tiền gửi của quỹ. Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát có trách nhiệm định kỳ hàng tháng đối soát số dư tài khoản tiền gửi, giá trị các hợp đồng tiền gửi với các ngân hàng nhận tiền gửi của quỹ;

b) Quản lý và lưu ký tách biệt tài sản của từng quỹ; tách biệt tài sản của các quỹ với tài sản của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát và tách biệt với các tài sản của các khách hàng khác của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát. Mỗi quỹ được mở một tài khoản lưu ký chứng khoán riêng biệt, tách biệt với tài khoản lưu ký chứng khoán của các cá nhân, tổ chức khác, kể cả là của công ty quản lý quỹ;

c) Công ty quản lý quỹ là đại diện được ủy quyền thực hiện các giao dịch tài sản của quỹ. Việc chuyển giao tài sản của quỹ trong hoạt động đầu tư, thoái vốn đầu tư chỉ được thực hiện theo chỉ thị bằng văn bản của công ty quản lý quỹ theo đúng quy định tại hợp đồng lưu ký, hợp đồng giám sát;

d) Việc thanh toán các giao dịch chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải tuân thủ các nguyên tắc giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền và các nguyên tắc bù trừ, thanh toán theo quy định của pháp luật. Việc thanh toán các giao dịch tài sản khác thì phải thực hiện theo lệnh, chỉ thị hợp pháp của công ty quản lý quỹ và các quy định pháp luật khác nếu có liên quan. Mọi giao dịch chuyển khoản, thanh toán tiền, chuyển giao tài sản đều phải thực hiện đúng đến các đối tác giao dịch của quỹ, các tài khoản của quỹ. Giá trị thanh toán phải phù hợp với khối lượng tài sản, giá giao dịch và đúng với số tiền ghi trong các chứng từ thanh toán;

đ) Thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời, theo lệnh, chỉ thị hợp pháp của công ty quản lý quỹ; thực thi đầy đủ, kịp thời các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền sở hữu tài sản của quỹ, kể cả các thủ tục thanh, quyết toán thuế đối với quỹ;

e) Xác nhận các báo cáo về tài sản của quỹ do công ty quản lý quỹ lập, bảo đảm khối lượng tài sản trong báo cáo là đúng, đầy đủ, chính xác với thực trạng tài sản lưu ký tại ngân hàng;

g) Tham gia và cung cấp đầy đủ các thông tin tại các cuộc họp đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán, đại hội thành viên của quỹ, các cuộc họp ban đại diện quỹ, nhưng không có quyền biểu quyết.

3. Tài sản của quỹ dưới dạng vật chất hoặc phi vật chất, đăng ký sở hữu dưới tên của quỹ hoặc không dưới tên quỹ (trong trường hợp tài sản không đăng ký sở hữu theo quy định của pháp luật), được lưu ký tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát và tổ chức lưu ký phụ (nếu có), là tài sản thuộc sở hữu của quỹ, không phải là tài sản của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát hoặc công ty quản lý quỹ. Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát không được sử dụng tài sản của quỹ để thanh toán, bảo lãnh thanh toán cho các khoản nợ của mình hoặc cho bên thứ ba, kể cả cho công ty quản lý quỹ.

4. Các giao dịch cho quỹ trên tài khoản của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, kể cả các hoạt động nhận tiền, thanh toán giao dịch, nhận cổ tức, lãi trái phiếu và các khoản thu nhập khác, phải được xác định rõ là thuộc về quỹ. Trường hợp giao dịch trên tài khoản hoặc đứng danh của tổ chức lưu ký phụ theo pháp luật có liên quan, các giao dịch này và tài sản trong giao dịch phải được xác định rõ là thuộc về quỹ, thông qua ngân hàng giám sát.

5. Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát phải có hệ thống kỹ thuật phù hợp để tự động tiếp nhận, theo dõi, thực hiện và hạch toán các giao dịch liên quan tới tài sản trên tài khoản của quỹ, ngoại trừ trường hợp có những chỉ thị cụ thể khác bằng văn bản của công ty quản lý quỹ. Hệ thống này phải đảm bảo đáp ứng các nội dung cơ bản sau:

a) Có sổ sách kế toán để ghi nhận toàn bộ, đầy đủ tài sản của các quỹ. Mọi thay đổi liên quan tới tài sản cũng phải được phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời;

b) Thu, chi, hạch toán cổ tức, lãi trái phiếu, lãi vốn và các khoản thu nhập;

c) Hạch toán chứng khoán, chứng chỉ quỹ trong các giao dịch mua lại, phát hành thêm hoặc chuyển đổi;

d) Thực hiện các bút toán, thanh toán các khoản chi;

đ) Nhận và thực hiện các bút toán ghi sổ vào tài khoản chứng khoán từ các đợt phát hành thêm, tái cơ cấu tổ chức phát hành và các hoạt động điều chỉnh khác có liên quan.

6. Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát chịu trách nhiệm bồi thường đầy đủ cho quỹ trong trường hợp làm thất thoát tài sản của quỹ đã lưu ký và gửi kho quỹ tại ngân hàng theo quy định của pháp luật, kể cả trong trường hợp do lỗi hoặc hành vi lừa đảo của nhân viên của ngân hàng, hoặc do sự cẩu thả, không cẩn thận của ngân hàng.

7. Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát chịu trách nhiệm bồi thường đầy đủ cho quỹ trong trường hợp tổ chức lưu ký phụ làm thất thoát tài sản của quỹ, trừ trường hợp:

a) Thuộc các trường hợp bất khả kháng, nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát, mà đã được quy định rõ về việc miễn trừ trách nhiệm đối với ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát theo các điều khoản liên quan tại hợp đồng lưu ký, hợp đồng giám sát;

b) Tổ chức lưu ký phụ có trách nhiệm bồi thường cho quỹ và hợp đồng lưu ký phụ có điều khoản cho phép công ty quản lý quỹ thay mặt cho quỹ yêu cầu tổ chức lưu ký phụ phải bồi thường theo hợp đồng;

c) Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm thẩm định và các hoạt động liên quan tới việc ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật.

8. Trường hợp ngân hàng lưu ký cung cấp dịch vụ giám sát cho quỹ thành viên, thì ngân hàng lưu ký chỉ thực hiện nghĩa vụ báo cáo cho thành viên góp vốn theo quy định tại hợp đồng giám sát, không cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các hoạt động giám sát quy định tại Điều 29 Thông tư này.

Trên đây là nội dung tư vấn về hoạt động của ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát cho công ty quản lý quỹ. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 224/2012/TT-BTC.

Trân trọng thông tin đến bạn!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

486 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào