Quy trình kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt

Quy trình kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật! Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại TPHCM. Tôi có theo dõi tin tức, báo đài và đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm. Tôi không biết là những hàng hóa xuất nhập cảnh, quá cảnh từ vùng có dịch bệnh hoặc nghi ngờ là có dịch bệnh truyền nhiễm thì có phải kiểm dịch y tế không và tôi thắc mắc là quy trình kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được giải đáp từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn! Thiên Trang (093***)

Quy trình kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt được quy định tại Mục 3 Chương 1 Thông tư 46/2014/TT-BYT hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành như sau:

Điều 9. Tiếp nhận và xử lý thông tin

Kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về hàng hóa qua chủ hàng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và tiến hành xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với hàng hóa như sau:

1. Hàng hóa có yếu tố nguy cơ gồm:

a) Hàng hóa xuất phát, đi qua vùng có dịch bệnh hoặc vùng bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;

b) Hàng hóa mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm;

c) Hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện có yếu tố nguy cơ;

d) Hàng hóa đi cùng người có yếu tố nguy cơ;

đ) Hàng hóa có thông báo của cơ quan có thẩm quyền về nguy cơ lây lan dịch bệnh.

2. Hàng hóa không có yếu tố nguy cơ là hàng hóa không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp hàng hóa không có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện việc giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

3. Trường hợp hàng hóa có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm:

a) Thu thập thêm thông tin về các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng và cần hỗ trợ;

b) Thực hiện kiểm tra y tế đối với hàng hóa theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.

Điều 10. Giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế đối với hàng hóa không có yếu tố nguy cơ

1. Trong thời gian hàng hóa chờ nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh, kiểm dịch viên y tế thực hiện các biện pháp sau:

a) Kiểm tra giấy khai báo y tế đối với hàng hóa, trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh mà không bốc dỡ khỏi phương tiện;

b) Giám sát trung gian gây bệnh truyền nhiễm xâm nhập hàng hóa;

c) Giám sát các yếu tố nguy cơ khác gây ảnh hưởng sức khỏe làm ô nhiễm hàng hóa.

2. Trong quá trình giám sát, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 11 Thông tư này nếu phát hiện phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh chung.

3. Trường hợp hàng hóa không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận đã kiểm tra và kết thúc quy trình kiểm dịch.

Điều 11. Kiểm tra đối với hàng hóa có yếu tố nguy cơ

1. Đối với hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 9 và Khoản 2 Điều 10 Thông tư này, kiểm dịch viên y tế hướng dẫn đưa hàng hóa vào khu vực kiểm tra và thực hiện kiểm tra các nội dung sau:

a) Kiểm tra giấy khai báo y tế hàng hóa trừ trường hợp hàng hóa đã được kiểm tra giấy tờ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 Thông tư này;

b) Kiểm tra nội dung khai báo với thực tế hàng hóa;

c) Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung;

d) Kiểm tra trung gian truyền bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ sức khỏe;

đ) Kiểm tra quy định về dụng cụ, bao gói chứa đựng, ghi trên nhãn và điều kiện vận chuyển đối với hàng hóa;

e) Đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng;

g) Lấy mẫu xét nghiệm trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 103/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.

2. Kiểm dịch viên y tế chuyển sang xử lý y tế theo quy định tại Điều 12 Thông tư này đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hàng hóa mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Hàng hóa bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe.

3. Hàng hóa không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận đã kiểm tra y tế và kết thúc quy trình kiểm dịch.

Điều 12. Xử lý y tế đối với hàng hóa

1. Đối với hàng hóa mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A phải được xử lý y tế như sau:

a) Khử trùng, diệt tác nhân gây bệnh và trung gian truyền bệnh truyền nhiễm;

b) Buộc tiêu hủy hoặc tái xuất đối với hàng hóa không thể diệt được tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm.

2. Đối với hàng hóa bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe:

a) Loại bỏ yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe;

b) Buộc tiêu hủy hoặc tái xuất đối với hàng hóa không thể loại bỏ được yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe.

3. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế theo quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận xử lý y tế đối với hàng hóa và kết thúc quy trình kiểm dịch.

Trên đây là nội dung quy định về quy trình kiểm dịch y tế đối với hàng hóa nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 46/2014/TT-BYT.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
253 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào