Quy trình kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt

Quy trình kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật! Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Tôi có theo dõi tin tức, báo đài và đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm. Tôi không biết là những người xuất nhập cảnh, quá cảnh từ vùng có dịch bệnh hoặc nghi ngờ là có dịch bệnh truyền nhiễm thì có phải kiểm dịch y tế không và tôi thắc mắc là quy trình kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong nhận được giải đáp từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn! Hoàng Sơn (hoang_son***@gmail.com)

Quy trình kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt được quy định tại Mục 2 Chương 1 Thông tư 46/2014/TT-BYT hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành như sau:

Điều 5. Tiếp nhận và xử lý thông tin

Kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về tình trạng sức khỏe của người trên phương tiện từ chủ phương tiện hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và tiến hành xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với người như sau:

1. Người có yếu tố nguy cơ bao gồm:

a) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch bệnh;

b) Người xuất phát hoặc đi qua vùng có yếu tố nguy cơ sức khỏe;

c) Người đi cùng phương tiện có nguy cơ quy định tại Khoản 1 Điều 1 hoặc hàng hóa có nguy cơ theo quy định Khoản 1 Điều 9 Thông tư này;

d) Người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;

đ) Người có dấu hiệu bị phơi nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe.

2. Người không có yếu tố nguy cơ là người không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp người không có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế chuyển sang giám sát theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

3. Trường hợp người có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện:

a) Thu thập thông tin:

- Tình trạng sức khỏe người bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh và những người đi cùng;

- Các biện pháp y tế đã áp dụng đối với người bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;

- Số người tiếp xúc gần, số người trên phương tiện;

- Biện pháp y tế cần hỗ trợ.

b) Báo cáo người đứng đầu tổ chức kiểm dịch y tế biên giới;

c) Kiểm tra y tế đối với người có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 6. Giám sát đối với người không có yếu tố nguy cơ

1. Kiểm dịch viên y tế tiến hành giám sát như sau:

a) Quan sát thể trạng;

b) Giám sát thân nhiệt.

2. Trong quá trình giám sát, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm thực hiện biện pháp kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 7 Thông tư này nếu phát hiện người bị giám sát là người có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

3. Trường hợp người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5, kiểm dịch viên y tế kết thúc quy trình kiểm dịch.

Điều 7. Kiểm tra y tế đối với người có yếu tố nguy cơ

1. Kiểm dịch viên y tế áp dụng các biện pháp sau:

a) Kiểm tra tờ khai y tế theo quy định tại Thông tư số 32/2012/TT-BYT ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Bộ Y tế ban hành quy định về khai báo y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam (sau đây gọi tắt là Thông tư số 32/2012/TT-BYT);

b) Kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng (nếu có);

c) Quan sát thể trạng;

d) Kiểm tra thân nhiệt;

đ) Khám lâm sàng đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;

e) Đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý y tế đã áp dụng;

g) Lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A.

2. Kiểm dịch viên y tế chuyển sang xử lý y tế theo quy định tại Điều 8 Thông tư này nếu người bị kiểm tra thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Phơi nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;

c) Tiếp xúc với người nhập cảnh thuộc đối tượng quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này;

d) Không có hoặc có giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng nhưng hết hiệu lực đối với người xuất phát từ vùng có dịch bệnh hoặc đến vùng có dịch bệnh mà bệnh đó bắt buộc phải tiêm chủng hoặc áp dụng biện pháp dự phòng.

3. Trường hợp người bị kiểm tra không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế kết thúc quy trình kiểm dịch y tế và thông báo cho cơ quan phụ trách cửa khẩu để làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh cho người đó.

Điều 8. Xử lý y tế

1. Đối với người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, kiểm dịch viên y tế thực hiện các nội dung sau:

a) Áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh;

b) Chuyển đến phòng cách ly tại khu vực cửa khẩu;

c) Khám sơ bộ, điều trị ban đầu hoặc chuyển về cơ sở y tế theo quy định.

2. Đối với người bị phơi nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe, ngoài việc thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này, tùy theo tình hình thực tế, kiểm dịch viên y tế có thể áp dụng thêm biện pháp khử trùng, tẩy uế để loại bỏ yếu tố nguy cơ sức khỏe.

3. Người tiếp xúc với người nhập cảnh thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế lập danh sách đầy đủ các thông tin về họ tên, điện thoại và địa chỉ liên lạc để báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định, đồng thời áp dụng một hoặc nhiều biện pháp sau:

a) Áp dụng các biện pháp dự phòng;

b) Sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế;

c) Tuyên truyền, tư vấn phòng chống dịch bệnh.

4. Đối với người không có hoặc có giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng nhưng hết hiệu lực, kiểm dịch viên y tế thực hiện việc tiêm chủng vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng phù hợp với quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

5. Sau khi hoàn thành việc xử lý y tế quy định tại Khoản 1, 2 hoặc 3 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế hoặc áp dụng biện pháp dự phòng và kết thúc quy trình kiểm dịch.

Trên đây là nội dung quy định về quy trình kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh tại cửa khẩu đường bộ, đường sắt. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 46/2014/TT-BYT.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
269 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào