Tiêu chuẩn ngạch Thanh tra viên Quốc phòng
Tiêu chuẩn ngạch Thanh tra viên Quốc phòng được quy định tại Điều 5 Quyết định 31/2016/QĐ-TTg Quy định tiêu chuẩn các ngạch Thanh tra viên quốc phòng do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể là:
1. Chức trách
Thanh tra viên có trách nhiệm tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện một số lĩnh vực công tác thanh tra và các nhiệm vụ khác; được giao chủ trì hoặc trực tiếp thanh tra các vụ việc có quy mô và tính chất phức tạp trung bình; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.
2. Nhiệm vụ
a) Tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác thanh tra;
b) Tham gia xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các quyết định thanh tra về thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành; giúp Thủ trưởng đơn vị xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; trực tiếp thu thập, xác minh tài liệu, lập hồ sơ thanh tra;
c) Nghiên cứu, tổng hợp, thu thập, xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác thanh tra;
d) Lập biên bản, viết báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng kết luận thanh tra làm rõ từng nội dung đã thanh tra, xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm; kiến nghị biện pháp giải quyết;
đ) Tổ chức rút kinh nghiệm việc thực hiện các cuộc thanh tra được giao;
e) Trong quá trình thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 47 và Điều 54 Luật thanh tra;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ trưởng cơ quan thanh tra giao.
3. Năng lực
a) Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, điều lệnh kỷ luật, chế độ quy định của Quân đội để vận dụng vào hoạt động thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng;
b) Có kiến thức cơ bản về quân sự, quốc phòng; nắm vững quy trình, nghiệp vụ công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng;
c) Am hiểu pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội;
d) Có khả năng nghiên cứu, phân tích tổng hợp tình hình trong lĩnh vực được giao, xây dựng văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
4. Yêu cầu trình độ và điều kiện khác
a) Tốt nghiệp trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực đang công tác;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch thanh tra viên;
c) Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau đây gọi là Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT) hoặc chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A trở lên thuộc 01 trong 05 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức; hoặc có chứng chỉ hoặc chứng nhận biết tiếng dân tộc thiểu số do cơ quan có thẩm quyền cấp;
d) Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (sau đây gọi là Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT);
đ) Có thời gian ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra, trừ trường hợp đã qua cương vị chỉ huy cấp tiểu đoàn và cương vị công tác tương đương hoặc sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ có cấp hàm từ đại úy trở lên chuyển sang cơ quan thanh tra.
Trên đây là nội dung tư vấn về tiêu chuẩn ngạch Thanh tra viên Quốc phòng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 31/2016/QĐ-TTg.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?