Trách nhiệm tiếp nhận, phân loại kiến nghị của cử tri của các cơ quan ở địa phương

Trách nhiệm tiếp nhận, phân loại kiến nghị của cử tri của các cơ quan địa phương được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư ký luật, tôi là Phạm Đức Phúc. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến. Tôi có một thắc mắc cần Ban biên tập Thư Ký Luật giải đáp giúp cho tôi. Cho tôi hỏi, trong quá trình tiếp nhận, phân loại kiến nghị của cử tri thì các cơ quan địa phương có trách nhiệm ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ky Luật. Xin cảm ơn! Phạm Đức Phúc (ducphuc*****@gmail.com)

Trách nhiệm tiếp nhận, phân loại kiến nghị của cử tri của các cơ quan ở địa phương được quy định tại Điều 7 Quyết định 33/2017/QĐ-TTg Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể là:

1. Trong thời gian các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cử đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri tham gia Hội nghị để kịp thời nắm bắt tình hình, trực tiếp giải quyết, trả lời các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc tiếp nhận để chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, giải quyết, trả lời cử tri.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp, phân loại kiến nghị đầy đủ, chính xác, rõ ràng và đúng thẩm quyền giải quyết trước khi Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi đến Ban Dân nguyện hoặc chuyển đến các cơ quan ở địa phương để giải quyết, trả lời cử tri.

3. Đối với kiến nghị có nội dung chưa rõ ràng, kiến nghị có nhiều nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm rõ, chia tách nội dung, trước khi Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị đến Ban Dân nguyện để tổng hợp hoặc chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của địa phương để giải quyết, trả lời theo quy định.

4. Đối với kiến nghị có nội dung trùng lặp với các kiến nghị đã được giải quyết xong hoặc đã được giải trình, thông tin lại với cử tri từ các kỳ họp trước theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 4 Quy chế này, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp loại ra khỏi nội dung trước khi Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi Ban Dân nguyện để tổng hợp hoặc chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của địa phương để giải quyết, trả lời theo quy định và trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày loại bỏ kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản thông báo cho cử tri và các cơ quan liên quan biết, đồng thời văn bản thông báo phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có cử tri kiến nghị.

5. Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị do Văn phòng Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố chuyển đến; phân loại theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương và phân công cho các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời theo quy định.

6. Đối với các kiến nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi đến các cơ quan ở địa phương nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương, trong thời hạn 5 ngày làm việc, các cơ quan ở địa phương tổng hợp chuyển lại Đoàn Đại biểu Quốc hội để tổng hợp, phân loại chuyển đến Ban Dân nguyện theo quy định.

7. Đối với các kiến nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở địa phương những nội dung không rõ ràng hoặc không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết, trả lời của các cơ quan, đơn vị ở địa phương thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan phải nêu rõ lý do, gửi lại Đoàn Đại biểu Quốc hội để chuyển đến các cơ quan, đơn vị khác giải quyết.

8. Đối với các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển trực tiếp đến địa phương để giải quyết, trả lời theo thẩm quyền có nội dung chưa rõ ràng; trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan ở trung ương để làm rõ nội dung kiến nghị.

Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm tiếp nhận, phân loại kiến nghị của cử tri của các cơ quan ở địa phương. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 33/2017/QĐ-TTg.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
160 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào